Trung tâm vì Sự phát triển bền vững Miền núi (CSDM) được thành lập theo quyết định số 200/QĐ ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Tổng Hội Địa chất Việt nam, thành viên của Liên hiệp các hội KHoa học & Kỹ thuật Việt Nam.
Địa bàn và đối tác dự án của CSDM khá đa dạng. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Tây và Hà Tĩnh. Đối tác chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Mường, H’mong và Thái), người bị thiệt thòi và tàn tật.
Tầm nhìn của CSDM
Mong ước của chúng tôi là những người dân tộc thiểu số thực hiện được quyền có một cuộc sống với chất lượng tốt hơn, tự tin tham gia vào các quá trình phát triển; những di sản văn hóa dân tộc sẽ được giữ gìn và lưu truyền lại cho con cháu; bằng những nguồn lực và tri thức bản địa của mình họ sẽ được sống và là những người bảo vệ màu xanh cho trái đất.
CSDM chia sẻ quan điểm
Ø Người dân tộc có vai trò sống còn trong phát triển bền vững của nhân loại như tuyên ngôn Johannesboc đã nêu
Ø Tri thức bản địa, văn hóa và luật tục truyền thống của người dân tộc đóng góp quan trọng cho phát triển môi trường sinh thái bền vững, công bằng và hợp lý
Ø Người dân tộc có quyền sử dụng, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái và của cải vật chất do đất đai, sông suối và rừng núi mang lại.
Lĩnh vực hoạt động chính
· Xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân
· Thúc đẩy cộng đồng tham gia khai thác, quản lí bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên
· Tăng cường sự tham gia của người dân vào các quá trình phát triển và ra quyết định – quyền dân chủ ở cơ sở
· Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa
· Hỗ trợ các mạng lưới cộng đồng hoạt động vì những mục đích xã hội chung.
+ Mạng lưới các CLB văn nghệ truyền thống bao gồm 13 xã của huyện Văn Quan
+ Mạng lưới “Liên kết tri thức bản địa ” của các lang y các huyện Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn
+ Mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt nam” – VTIK bao gồm các nhà tri thức, cán bộ và người dân tộc Thái ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái.
Trung tâm Vì sự phát triển bền vững Miền núi – CSDM và các thế hệ phát triển
Các hoạt động do CSDM thực hiện nhằm đạt được những mục tiêu và chiến lược của tổ chức dựa trên bốn giai đoạn hay còn gọi là thế hệ phát triển như sau:
A. Các hoạt động với mục đích cứu trợ và phúc lợi nhằm đáp ứng tức thời những sự thiếu thốn về vật chất cho cộng đồng
CSDM đã có những hỗ trợ cho bà con người dân tộc và người tàn tật như: cấp kinh phí di dời nhà bị nguy cơ lũ quét, cấp không giống cây, con, tiêm phòng dịch cho gia súc, làm chuồng trại cho gia súc, xây dựng nhà vệ sinh, khám chữa bệnh và phát thuốc cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng trung tâm đào tạo cho người tàn tật, quyên góp quần áo v.v..
B. Phát triển cộng đồng địa phương qui mô nhỏ với mục đích phát huy các khả năng và hành động tự lực của quần chúng để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu riêng của họ thông qua.
Các hoạt động của CSDM ở thế hệ này gắn liền với những hoạt động tự lực nhằm đảm bảo sinh kế, cải thiện chất lượng cuộc sống tại địa phương như phổ biến và tập huấn KHKT nông lâm nghiệp, làm phân sinh học, chăn nuôi, người dân tham gia thiết kế, xây dựng và quản lí các công trình xây dựng cơ bản như: hệ thống nước sạch (39 công trình ở Lạng Sơn và Sơn La) , đập nước (01 đập ở Quan Sơn), 01 cầu (ở Vân An), lớp học (ở Quan Sơn và Hữu Kiên) , nhà cộng đồng (33 nhà ở 2 huyện Chi Lăng và Văn Quan), đường liên thôn (03 ở Hữu Kiên), nhà bán trú (01 ở Hữu Kiên), nhà văn hóa xã (xã Tràng Phái).
Tại địa bàn dự án đã hình thành những nhóm, những tổ chức của người dân có cùng sở thích và mục đích là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống như:
- tín dụng của phụ nữ cấp xã (Tràng Phái, Hữu Kiên, Quan sơn, Chiềng Hoa, Chiềng San, Phú Lộc)
- thú y viên thôn bản: tất cả các thôn thuộc các xã dự án ở các tỉnh đều có thú y viên thôn bản
- các Câu lạc bộ khuyến nông khuyến lâm ở Văn Quan, Chi Lăng, An Phú và Phú Lộc
- các CLB văn nghệ ở các xã Vân Mộng, Văn An, Vĩnh Lại, Tú Xuyên và Hữu Lễ
- các CLB Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các xã Vân Mộng, Văn An, Tràng Phái, Xuân Mai và Bình Phúc
- các nhóm sở thích: làm vườn, nuôi lợn nái, vườn ươm, nuôi vịt, nuôi cá, trồng gừng….ở hầu hết tất cả các xã của dự án
- xưởng sấy khô gừng ở Quan Sơn
- các tổ cứu trợ thiên tai khẩn cấp.
Ngay từ những lúc này CSDM đã có những hoạt động chuẩn bị cho sự hình thành các mạng lưới trong nước như tham gia các mạng lưới trong vùng và quốc tế (AIPP, IAITPTF), cùng sáng lập ra mạng lưới IKAP, tổ chức các hội thảo vùng và quốc tế (IKBC, MMSEA IV), đưa người dân đi tham quan học tập với các mạng lưới trong nước và trong vùng.
C. Phát triển những hệ thống bền vững với trọng tâm là vận động chính sách nhằm tạo ra thay đổi hay là những điều kiện thuận lợi cho phát triển ở địa phương một cách công bằng, bền vững và vì mọi người.
Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này CSDM đã có những hoạt động nhằm tạo ra những khả năng cho dân chúng biết đòi quyền, cán bộ có trách nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ của mình và người dân biết cộng tác với chính quyền hỗ trợ cho các hoạt động phát triển làm cho cả hệ thống đáp ứng tốt hơn nhu cầu của dân chúng. Những hoạt động của CSDM lúc này không chỉ đơn thuần tập trung vào xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập nữa mà đã chuyển sang các lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội, thực hiện quyền dân chủ của người dân hay là thúc đẩy sự tham gia của người dân vào công việc làng xã, tự đưa ra những quyết định phát triển cho cộng đồng và bản thân họ. CSDM còn có những hoạt động nhằm đáp ứng quyền sử dụng đất cho người dân tộc như phân chia lại ranh giới đất rừng, tạm giao quyền sử dụng đất rừng núi đá cho bà con người dân tộc.
- các tập huấn về dân chủ cơ sở hay là phổ biến Qui chế dân chủ ở cơ sở và sau là Pháp lệnh về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường và thị trấn (2 huyện Văn Quan và Chi Lăng, các xã Phú Mĩ, Vũ Quang thuộc Phú Thọ, An Phú thuộc Hà Nội)
- thực hiện PL THDC sau khi tập huấn (2 huyện Văn Quan và Chi Lăng, các xã Phú Mĩ, Vũ Quang thuộc Phú Thọ, An Phú thuộc Hà Nội)
- những tuyên truyền về các bộ luật cơ bản cần thiết đối với người dân tộc, miền núi (2 huyện Văn Quan và Chi Lăng, các xã Phú Mĩ, Vũ Quang thuộc Phú Thọ)
- xây dựng các thôn tự quản: bắt đầu ở 5 xã thuộc huyện Văn Quan và xã Quan Sơn thuộc huyện Chi Lăng, An Phú (Hà Tây cũ)
- điều chỉnh lại ranh giới đất rừng tại xã Tràng Phái
- tạm giao đất rừng núi đá cho cộng đồng người dân thôn bản quản lí ở xã Bình Phúc
- thực hiện các hoạt động vận động chính sách: các nghiên cứu về vấn đề dân tộc miền núi cho MTTQVN, thay đổi một số cách làm, chính sách tại địa phương, tham gia nghiên cứu về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”.
D. Động viên những sáng kiếnvà hoạt động của đông đảo người dân nhằm hỗ trợ cho một ý tưởng xã hội, huy động các hành động tự nguyện trên qui mô lớn/các phong trào để đạt được mục đích chung mà ở đây các mạng lưới người dân và các tổ chức (NGOs) là một trong những phương tiện để thúc đẩy và hỗ trợ cho những thay đổi cần thiết của xã hội.
Những mạng lưới lúc đầu thường chỉ xoay quanh vấn đề sinh kế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tăng cường sự tham gia và ra quyết định của người dân vào các quá trình phát triển:
- tín dụng cấp huyện: phụ nữ huyện Văn Quan và Hội người mù Can Lộc
- mạng lưới các thú y viên trong từng xã riêng biệt và 01 huyện là huyện Văn Quan
- các thôn tự quản trong xã
- xã quản trị tốt.
Ngay từ trong thế hệ thứ hai và thứ ba, dựa trên những kinh nghiệm xây dựng và vận hành mạng lưới CSDM đã chuyển dần sang hỗ trợ những mạng lưới có cùng chung các mục đích phát triển xã hội hơn là các mạng lưới đơn thuần mang tính kinh tế. Với chiến lược này, các mạng lưới thành viên có cùng mục đích bảo vệ tri thức bản địa dân tộc của người Tày, Nùng và Thái đã lần lượt ra đời:
- mạng lưới các CLB văn nghệ truyền thống bao gồm 13 xã của huyện Văn Quan
- mạng lưới “Liên kết tri thức bản địa ” của các lang y trong tỉnh Lạng Sơn bao gồm các huyện Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập và Hữu Lũng
- mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt nam” bao gồm các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái.
Ngoài những mạng lưới nêu trên, tại địa bàn các dự án, đặc biệt là ở Lạng Sơn và An Phú, CSDM đã hỗ trợ cho việc học tập và thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở của người dân trở thành những hoạt động rộng khắp trên địa bàn huyện, xã của dự án. Việc xây dựng các thôn tự quản và xã quản trị tốt nhằm tạo nên một phong trào cho sự tham gia của người dân, đặc biệt là người dân tộc vào các quá trình ra quyết định cho các quá trình phát triển của cộng đồng và bản thân họ.
Sự phát triển và đóng góp của các mạng lưới người Tày, Nùng và Thái trong phát triển cộng đồng người dân tộc
1) Mạng lưới các CLB văn nghệ truyền thống tại 13 xã của huyện Văn Quan
Ngay từ năm 2002 CSDM đã hỗ trợ để thành lập và đưa vào hoạt động các CLB văn nghệ truyền thống ở năm xã Vân Mộng, Văn An, Vĩnh Lại, Tú Xuyên và Hữu Lễ. Bằng những hoạt động của mình các CLB này đã thực sự làm sống lại những làn điệu dân ca, điệu múa, trang phục và đặc biệt là các hoạt động trong các lễ hội của người dân tộc tại địa phương. Họ đã làm thức tỉnh tình yêu và sự say mê đối với truyền thống văn hóa dân tộc không chỉ đối với người lớn tuổi mà còn cả với thanh niên.
Những CLB này đã trở thành mô hình cho việc lưu giữ văn nghệ truyền thống và tại huyện Văn Quan Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao đã được thành lập và một trong những nhiệm vụ được giao là tiếp nhận 5 CLB và mở rộng thêm các CLB khác trong huyện.
Những giải thưởng cao trong các hội diễn các cấp mà Văn Quan đạt được là những minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc.
2) Mạng lưới các lang y trong tỉnh Lạng Sơn bao gồm các huyện Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập và Hữu Lũng
Năm 2006, cùng với các trung tâm: DWC (Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em) , CERDA (Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao), CIRUM (Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hoá cộng đồng Đông Nam Á); CSDM đã hỗ trợ để thành lập và các hoạt động của Mạng lưới “Liên kết tri thức bản địa ”. Những hoạt động của mạng lưới này nhằm bảo tồn tri thức bản địa của người dân tộc trong việc sử dụng thuốc nam để chữa bệnh, bảo vệ nguồn gien cây thuốc, lưu truyền lại tri thức bản địa cho các thế hệ mai sau. CSDM đã hỗ trợ cho các lang y mở rộng giao lưu với các lang y ở Hòa Bình, Lai Châu và trong vùng. Thuốc nam đang dần trở lại giúp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bà con ở vùng sâu vùng xa, cho những người còn tin thuốc nam và nguồn gien cây thuốc nam đang được các lang y trong mạng lưới bảo tồn tại cộng đồng.
3) Mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt nam” bao gồm đại diện các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái
Đây là mạng lưới trẻ nhất được hình thành vào tháng 7/2007 với mục đích bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái. Sau 10 tháng hoạt động mục tiêu số một của mạng lưới là thống nhất chữ Thái về cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay những mục tiêu tiếp theo về chữ Thái như soạn tài liệu dạy và học chữ Thái Việt Nam, sưu tầm và lưu giữ các tác phẩm cổ, đưa chữ Thái vào máy tính, làm từ điển và đặc biệt là dạy chữ Thái cổ tại các địa phương đang được các thành viên tích cực thực hiện một cách tự nguyện. Song song với chữ Thái các hoạt động bảo tồn tri thức bản địa khác như: lưu truyền các làn điệu hát và múa dân tộc cũng đang được thực hiện ở một số nơi như Điện Biên và Nghĩa Lộ. Một phong trào học chữ dân tộc đang được chính quyền các nơi ủng hộ, hạt nhân của phong trào này là các thày giáo chữ Thái- thành viên của mạng lưới.
Sau khi hoàn thành cơ bản mục tiêu số một, mạng lưới lại đang chuyển mục tiêu hoạt động của mình sang một lĩnh vực khác không kém phần quan trọng đó là giảm nhẹ tác hại thiên tai, giảm thiểu tác hại do mất rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động bảo vệ rừng thiêng bằng niềm tin và tri thức bản địa của mình. Trong kế hoạch chiến lược 2009-2011 của các mạng lưới thành viên vừa được xây dựng trong tháng 9/2008 vừa qua đều có hoạt động quan trọng này. Để thực hiện nhiệm vụ này các thành viên mạng lưới ở Điện Biên, Hòa Bình và Nghệ An đã thuyết phục được các cơ quan chức nămg như chi cục kiểm lâm, phòng tài nguyên môi trường cùng vào cuộc. Mạng lưới hy vọng rằng việc bảo vệ rừng thiêng cũng sẽ trở thành một phong trào rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người Thái mà còn cả các dân tộc khác nữa.
Hiện nay các thành viên đang cùng nhau phấn đấu cho một mục tiêu vô cùng khó khăn nhằm đảm bảo cho sự trường tồn của chữ Thái đó là đưa chữ Thái Việt Nam vào chương trình học của nhà trường ở vùng người Thái sinh sống.
CSDM và chiến lược hoạt động tiếp theo
Sau 8 năm hoạt động trung tâm CSDM đã từng bước thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược của mình. Bước sang thế hệ phát triển thứ tư CSDM đã chuẩn bị cho mình một “hành trang” khá cơ bản đó là những kinh nghiệm trong hoạt động mạng lưới của cộng đồng người dân với mong muốn có được những thay đổi và tạo được giá trị thực sự cho phát triển ở vùng dân tộc và miền núi. Những mạng lưới này sẽ là những động lực chính cho các hoạt động mang tính phong trào rộng rãi trong cộng đồng người dân.
CSDM nhận thức được vai trò của mình là một tổ chức/cá nhân tự nguyện thúc đẩy các hoạt động của các mạng lưới và phong trào. Những phong trào này sẽ được dẫn dắt bởi các ý tưởng, các viễn tượng về một xã hội/thế giới tốt đẹp hơn và chúng chuyển động bằng năng lượng xã hội hơn là bằng tiền bạc. Ở thê hệ phát triển thứ tư này CSDM phải cam kết thực thi lấy con người làm trung tâm phát triển và trở thành người tạo thuận lợi cho phong trào phát triển của nhân dân trên qui mô quốc gia , vùng và quốc tế.
Các mạng lưới vùng như IKAP mặc dù không đưa ra những quyết định hoặc hỗ trợ vật chất gì cho CSDM nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng về mặt tinh thần trong quá trình phát triển của CSDM. Từ những hoạt động liên kết với các mạng lưới quốc tế này CSDM đã nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng mạng lưới trong nước, vai trò của xã hội dân sự trong việc tạo nên những thay đổi trong xã hội. Sự tham gia với các mạng lưới quốc tế làm cho các thành viên của mạng lưới trong nước cảm thấy mình không bị lẻ loi trong những cố gắng vì một mục đích chung là bảo tồn tri thức bản địa và quyền của người dân tộc. Họ được động viên rất nhiều và thấy tự tin hơn khi gặp gỡ, giao lưu với những người bản địa trong vùng. Sự tồn tại và phát triển của IKAP và AIPP là một mắt xích không thể thiếu được để thực hiện những ý tưởng cho một phong trào phát triển của người dân tộc trong vùng.
IKAP là một mạng lưới thích hợp với người dân tộc ở các nước tiểu vùng sông Me Kông xét theo khía cạnh là ở một số nước như Trung Quốc, Lào và Việt Nam vấn đề về người dân tộc và nhân quyền vẫn bị coi là vấn đề nhạy cảm. IKAP dường như quan tâm đến chủ đề chính là tri thức bản địa nên việc liên kết các nước, kể cả những nước nhạy cảm sẽ dể dàng hơn rất nhiều. Việc tham gia trong mạng lưới như thế này sẽ làm cho người dân tộc ở các nước tự tin hơn và sau khi có kinh nghiệm họ sẽ hoạt động tốt hơn và mở rộng được mạng lưới về qui mô cũng như địa bàn hoạt động và như vậy sẽ mang lại những thay đổi cần thiết cho cộng đồng người dân tộc tại từng quốc gia.
Trong tương lai CSDM sẽ vẫn theo đuổi, duy trì và phát triển các mạng lưới cộng đồng người dân của mình và chiến lược sẽ là:
· Tham gia các mạng lưới có liên quan ở trong nước
· Tiếp tục hỗ trợ cho các mạng lưới Tri thức bản địa tại cấp độ cộng đồng người dân tộc đã xây dựng được
· Hỗ trợ cho các mạng lưới cộng đồng tham gia và liên kết với các tổ chức, mạng lưới trong nước
· Hỗ trợ cho các mạng lưới cộng đồng tham gia và liên kết với các tổ chức, mạng lưới trong vùng và quốc tế như: IKAP, AIPP, IAITPTF, Tebtebba v.v.
· Hỗ trợ các sáng kiến của mạng lưới, những ý tưởng xã hội vì mục đích chung của cộng đồng người dân tộc.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét