TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

11/2/14

Chữ Thái ở Nghệ An - Truyền thống và hiện đại

Tác giả bài viết đang dạy chữ Thái
Tác giả bài viết đang dạy chữ Thái

CHỮ THÁI [Ở NGHỆ AN]- TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI

  •   SẦM VĂN BÌNH
  • Thứ ba, 07 Tháng 1 2014 10:33
  • Về chữ Thái
Từ năm 2003 khi xây dựng bản đồ phân bố các dân tộc theo ngôn ngữ ở Đông Nam Á của bảo tàng dân tộc học Việt Nam, các nhà chuyên môn đã thống nhất đưa nhóm ngôn ngữ Thái
vào ngữ hệ Thái Ka- đai (các tài liệu trước đó xếp ngôn ngữ Thái trong dòng Tày- Thái thuộc ngữ hệ Nam Á).
Người ta nhận thấy, nhóm ngôn ngữ Mường- Việt được đưa vào ngữ hệ Nam Á, còn nhóm ngôn ngữ Hán thì thuộc ngữ hệ Hán- Tạng. Ở khu vực Đông Nam Á, số lượng người dân sử dụng ngôn ngữ đa âm tiết chỉ là thiểu số, các nhóm ngôn ngữ mang đặc điểm đa âm tiết cũng thuộc về số ít. Những người Thái ở Qùy Châu (địa danh trước đây bao gồm thêm cả một phần đất của các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn và Qùy Hợp ngày nay) cùng nằm trong phần đa số tạo bởi các nhóm ngôn ngữ có đặc điểm chung là đơn âm tiết và mang thanh điệu. Ngôn ngữ Thái Ka- đai Qùy Châu trong phần trình bày này được hiểu là ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) của cư dân người Thái thuộc địa bàn phủ Qùy Châu cũ và cả một bộ phận người Thái của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) ngày nay.
Ở Việt Nam, dân tộc Thái là dân tộc thiểu số có tiếng nói và sớm có chữ viết riêng. Kết quả nghiên cứu cho biết chữ Thái Đen đã có từ thế kỉ XI. Và còn chuyện "Lai Lông Mương" của người Thái Nghệ An kể về lịch sử từ thời hồng hoang, tạo dựng núi non, vạn vật... Có lẽ trước đây, do đặc điểm riêng và sự lựa chọn giữa các vùng nên người Thái đã cho ra đời 8 loại hình kí tự cổ khác nhau. Tuy nhiên, cả 8 loại hình kí tự ấy đều bén rễ từ một gốc chữ Sanscrit (Ấn Độ) thông qua mẫu tự Khmer. Chúng có nhiều điểm giống nhau về nguyên tắc dùng phụ âm, nguyên âm để ghép vần ghi âm tiết Thái (trừ hệ chữ Lai- Tay ở Nghệ An). Theo ông Cầm Trọng, tám loại hình kí tự cổ của chữ Thái ở Việt Nam là:
1. Chữ Thái Đen ở các huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
2. Chữ Thái Trắng ở huyện Phong Thổ, Lai Châu.
3. Chữ Thái Trắng ở huyện Mường Lay, Mường Tè (Lai Châu).
4. Chữ Thái Trắng ở huyện Phù Yên.
5. Chữ Thái Trắng ở huyện Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hoà Bình).
6. Chữ Thái của người Thái nhóm Tay Thanh ở Thanh Hoá và Nghệ An. Đây là loại chữ viết của những nhóm người Thái cư trú rải rác ở ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá và Hoà Bình với tên gọi địa phương là Tay Thanh. Loại chữ viết này gần với kiểu chữ của người Thái Đen hay Thái Trắng ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
7. Chữ Thái hệ Lai- Pao ở Tương Dương, Nghệ An. Không có trường hợp nguyên âm ghép vần với phụ âm theo trật tự đảo ngược như ở các hệ chữ Thái vùng Tây Bắc. Tên gọi Lai- Pao theo tiếng Thái nhóm Tay Mương có nghĩa là "chữ viết vùng sông Pao". Sông Pao (tiếng Thái gọi là nặm Pao) là tên gọi con sông Cả (sông Lam) của người Việt ở tỉnh Nghệ An. Được biết, cuối thế kỷ XIX, người Thái ở vùng sông Pao này vẫn còn sử dụng loại văn tự này trong đời sống hàng ngày.
8. Chữ Thái hệ Lai- Tay ở Qùy Châu, Nghệ An. Theo ông Trần Trí Dõi, người ta cũng gọi loại chữ Thái Quỳ Châu là chữ Tai Yo. Đặc điểm nổi bật và dễ nhận biết của loại chữ này là:
- Được viết theo hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới, theo dòng từ phải qua trái; theo trang từ sau ra trước
Không hề có nguyên âm ghép vần với phụ âm theo trật tự đảo ngược như ở các hệ chữ Thái vùng Tây Bắc. Riêng về điểm này thì chữ Thái hệ Lai- Pao và chữ Thái hệ Lai- Tay có sự tương đồng với nhau,
- ... và một vài điểm khác.
Trong những năm qua, đã có thực trạng là dạng thức vật chất của ngôn ngữ Thái là các quyển sách chữ Thái cổ “Lai- Tay” trong cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn Nghệ An chưa được đánh giá đúng mức. Sách chữ Thái cổ thường được cuộn tròn lại và đựng trong ống nứa, có đậy bằng nắp ống nứa. Sách gồm nhều tờ giấy (loại giấy gọi là "chia năng xa", giấy rất mỏng chỉ viết được trên một mặt) được khâu lại bằng dây gai, viết bằng mực tàu. Nội dung được ghi chép đa phần là các truyện thơ, sau đó là lịch sử bản mường, dòng họ; cũng có cuốn ghi chép về luật tục, thuốc men, bói toán... Hiện các sách này trở nên hiếm hoi, các gia đình đang sở hữu cũng không nắm được nội dung ghi chép bên trong. Được biết, loại sách cổ này cũng được bảo quản ở bảo tàng Qùy Châu với một số lượng đáng kể nhưng vẫn chưa được nghiên cứu, khai thác... Mấy năm trước đây những người còn sử dụng được chữ Thái trong cộng đồng chỉ còn có thể đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn họ là những người đã cao tuổi, già yếu... Người trẻ tuổi hầu như không ai biết sử dụng chữ Thái. Một bộ phận khác trong đồng bào Thái địa phương đã có biểu hiện coi nhẹ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Chữ viết của dân tộc Thái trên cả nước nói chung và trong địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu.
Việc khôi phục, truyền dạy chữ Thái
Ở Việt Nam có 7 tỉnh có người Thái cư trú. Đó là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Hiện nay có thêm một số tỉnh thành khác được ghi nhân như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... Lớp các giáo viên dạy chữ Thái từ sau năm 1945 mà nay còn được nhiều người nhắc tới là thế hệ các ông Cầm Trọng, Lò Văn Mười, Điêu Chính Ngâu, Hoàng Trần Nghịch... và nhiều người khác nữa. Các ông này chủ yếu sống ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên... Năm 1993- 1994 ở miền Tây Thanh Hoá đã rộ lên phong trào học chữ Thái do ông Hà Văn Ban đề xướng. Và cuối năm 2001, Hội đồng nhân dân huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình đã thực hiện nghị quyết học chữ Thái cổ trong khi chờ đợi sự thống nhất chữ Thái. Năm 1980 Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội) đã tập hợp một số chuyên gia để xây dựng bộ chữ Thái la- tinh, đây là việc dùng chữ quốc ngữ để quy ước lại trong phiên âm riêng tiếng nhóm Thái Đen ở Tây Bắc... Các năm 1996- 1999, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, và tiếp theo là Điện Biên, đã xây dựng mô hình dạy học song ngữ Việt- Thái áp dụng dạy thí điểm tại một vài trường tiểu học. Việc làm này của 2 tỉnh đã được Uỷ ban Dân tộc và miền núi, UNICEF- Dự án phát triển dân tộc thiểu số, tổng kết lại với báo cáo nhan đề: "Tiếng Thái và tình hình dạy học tiếng Thái ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên- Khái quát, thực trạng và đề xuất"- Hà Nội 1999.
Năm 2000, Chương trình Thái học Việt Nam (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) tiếp tục theo đuổi Chương trình nghiên cứu chữ Thái của mình đã đặt ra từ năm 1994. Đến năm 2001, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đứng ra làm chủ quản, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là cơ quan chủ trì để cho Chương trình Thái học Việt Nam nâng việc nghiên cứu chữ Thái của mình lên một bước phát triển mới, với việc thành lập Nhóm chuyên gia tư vấn, đi thực tế nắm tình hình tại các địa phương.
Tại các cuộc Hội thảo ở tỉnh và huyện, đa số các đại biểu đều cho là đã đến lúc phải có một bộ chữ Thái chung thống nhất làm cơ sở cho việc sử dụng tiếng Thái có hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động của cộng đồng dân tộc Thái, đặc biệt là trong lĩnh vực dạy học tiếng Thái trong nhà trường và cộng đồng. Các bộ chữ viết hiện hành của từng vùng tiếp tục được sử dụng để khai thác vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc Thái ở từng địa phương.
Từ khi có Nghị quyết lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VIII) về Xây dựng và Phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách ưu tiên cho việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Việc dạy và học chữ Thái bắt đầu dần dần được khôi phục lại lác đác ở một vài địa phương. Việc khôi phục và bảo tồn chữ Thái đã gặp phải khó khăn rất lớn về tư liệu, về đội ngũ những người biết chữ Thái, về những ảnh hưởng tiêu cực của hội nhập quốc tế... Hoạt động của một số nhà nghiên cứu người nước ngoài cũng góp phần tạo nên sự chú ý và khơi dậy tâm nguyện của một số cán bộ, giáo viên người dân tộc Thái (là đội ngũ kỳ vọng đối với sự hồi sinh cho chữ Thái). Việc khôi phục lại các lớp học chữ Thái "bình dân học vụ" trong giai đoạn mới này đã có sự tham gia của những người tâm huyết ở hầu hết các tỉnh có người Thái sinh sống. Ở Điện Biên có ông Lò Ngọc Duyên...; ở Sơn La có các ông Lò Văn Lả, Hà Văn Long, Hoàng Trọng Đinh...; ở Yên Bái có ông Lò Văn Biến...; ở Hoà Bình có ông Hà Anh Đức, Vì Văn Dấng, Lường Đức Chôm...; ở Thanh Hoá có ông Hà Nam Ninh, Phạm Bá Thược...; ở Nghệ An có ông Lô Khánh Xuyên, Vi Ngọc Chân, Kha Văn Hợi, Vi Khăm Mun...; ở Lâm Đồng có ông Đèo Văn Cường...
Ngày 15/ 7/ 2007, tại Mai Châu (Hoà Bình) đã diễn ra cuộc Hội thảo thành lập Mạng lưới Bảo tồn và Phát triển Tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam (tên viết tắt là VTIK- Vietnam Thai Indigenous Knowledge Network) do Trung tâm Vì sự Phát triển bền vững Miền núi (CSDM) thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam đứng ra sáng lập. Tháng 5/ 2008, CSDM tiếp tục tổ chức một cuộc Hội thảo ở thị xã Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Trong cuộc Hội thảo này, các đại biểu tham gia đã cùng đi đến sự thống nhất cao đối với việc lựa chọn tự dạng cho bảng chữ Thái có tên chung là chữ Thái Việt Nam. Còn các nội dung liên quan đến việc sử dụng và truyền dạy chữ Thái sẽ tiếp tục được thảo luận trên cơ sở sử dụng song song bộ chữ Thái cổ của từng địa phương.
Từ khi có Quyết định số: 84/ 2006/ QĐ-UBND ngày 24/ 8/ 2006 về việc “Ban hành quy định về một số chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An”, việc dạy và học chữ Thái hệ Lai- Tay trên địa bàn tỉnh được thực hiện lần đầu tiên tại 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong. Ở huyện Quế Phong, ông Lô Khánh Xuyên, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An, đã mở lớp học chữ Thái ngay trong nhà mình để truyền dạy chữ Thái cho người dân có nhu cầu... Ở huyện Quỳ Châu, ông Vi Ngọc Chân, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Quỳ Châu, cũng có thời gian dạy chữ Thái được hơn 5 năm. Ông Vi Ngọc Chân tự soạn thảo giáo trình, dạy theo các hợp đồng phục vụ cho một số học viên thuộc đối tượng công chức, bộ đội, công an... Ở huyện Tương Dương, ông Kha Văn Hợi, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Tương Dương, cũng tự biên soạn tài liệu và dạy chữ Thái hệ Lai- Xư- Thanh cho nhân dân.
Ngày 03/ 4/ 2006, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, đã ban hành Quyết định số 285/ 2006/ QĐ-UBND về việc cho phép UBND xã Châu Cường thành lập CLB chữ Thái. Câu lạc bộ học chữ Thái xã Châu Cường hàng năm đều đặn tổ chức các lớp học chữ Thái. Đến nay, số học viên được học chữ Thái thông qua hoạt động trực tiếp của Câu lạc bộ đã lên đến vài trăm người. Đối tượng học viên bao gồm cả cán bộ, công chức, bộ đội, học sinh phổ thông... Đến thời điểm này, chữ Thái Qùy Châu cũng đã được đưa vào Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy cho đối tượng cán bộ công chức làm việc ở địa bàn có người Thái sinh sống (TTGDTX huyện Con Cuông, TTGDTX huyện Qùy Hợp và TTGDTX tỉnh Nghệ An).
Mấy năm gần đây, việc nghiên cứu thiết kế font chữ Thái đã phát triển ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An... Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã có kết quả về thiết kế font chữ Thái do Thạc sĩ Lò Mai Cương, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, làm tác giả. Công trình này đã được công bố ở Hội nghị Quốc tế về chữ Thái tháng 11/ 2005. Dựa trên bộ chữ Thái cải tiến của nhóm nghiên cứu biên soạn chữ Thái tỉnh Sơn La, nhóm Tin học Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La phối hợp với Trung tâm Tin học- Bộ giáo dục và Đào tạo đã thiết kế bộ font chữ Thái Sơn La chuẩn (Standard Thai Sonla) và cải tiến bộ font chữ Thái cổ thành bộ fontNew Thai Co và có thể cài đặt trên hệ điều hành Windows.
Ông Nguyễn Duy Khiêm, một cán bộ ngành công nghệ thông tin, cũng đã thiết kế ra font chữ Thái Đen ở Mường Lò, Yên Bái. Font chữ Thái này đã được hai ông Lò Văn Biến và Trần Vân Hạc sử dụng để soạn thảo cuốn Tài liệu hướng dẫn học chữ Thái dùng cho cán bộ công chức nhà nước.
Dự án Số hoá chữ Thái của Viện Công nghệ thông tin cũng đã nghiên cứu thiết kế ra font chữ Thái Việt Nam cải tiến...
Trong năm 2011, tỉnh Thanh Hóa cũng hoàn thành Đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, xây dựng  font chữ và số hóa chữ Thái cổ Thanh Hóa” của ông Hà Văn Thương.
Như đã nêu trên, trong các hệ chữ Thái chỉ có hệ chữ Lai- Tay là được viết theo hàng dọc. Các chữ cái ghép lại thành từ, thứ tự các chữ được viết từ trên xuống, giữa các từ không đặt dấu cách, các hàng chữ được đặt từ phải qua trái. Các ký tự thể hiện chữ Lai- Tay được viết với các nét uốn lượn mềm mại, bay bướm bằng cách sử dụng bút lông chấm mực tàu. Đây là nét đẹp mang tính truyền thống, nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho việc tạo dạng ký tự theo hướng chữ in.
Tháng 1/ 2009, ông Thawi Sawangpanyangkoon, nguyên là Giáo sư làm việc tại Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan) đã thông tin qua email cho chúng tôi về việc ông đang thiết kế font chữ Thái hệ Lai- Tay; ông cũng xin chúng tôi một số tài liệu để tham khảo thêm về mẫu tự. Cuối tháng 3/ 2009, trong một dịp gặp gỡ và trao đổi tại Chiang Mai (Thái Lan), ông Thawi đã cho chúng tôi xem bảng ký tự chữ Lai- Tay đầu tiên được đánh trên máy vi tính. Tuy nhiên, các mẫu tự ông Thawi thiết kế lại chỉ đạt khoảng 70% nét tương đồng với các mẫu tự truyền thống, điều này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng. Bản thân ông Thawi cũng chưa hài lòng với kết quả đạt được. Ông dự định sang Việt Nam để gặp các ông Lô Khánh Xuyên (huyện Quế Phong), ông Vi Văn Kỳ, Vi Ngọc Chân (Quỳ Châu) và một số người thông hiểu về chữ Thái hệ Lai- Tay để hoàn thiện thêm font chữ của mình. Ông đã liên lạc với Ban Dân tộc Miền núi tỉnh Nghệ An và ấn định thời gian sang Việt Nam vào khoảng tháng 5- 6/ 2009, nhưng vì lý do về tuổi tác (ông Thawi lúc đó đã 84 tuổi), chuyến đi đã bị hoãn lại.
Từ tháng 3/ 2009, để phục vụ cho việc triển khai Đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu, biên soạn Tài liệu và tổ chức dạy học chữ Thái hệ Lai- Tay ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An" do ông Sầm Văn Bình làm chủ nhiệm, đã co một font chữ Thái hệ Lai- Tay đầu tiên ở Nghệ An được nghiên cứu thiết kế thành công, được đặt tên là ThaiLaitayR. Đến thời điểm này, font chữ ThaiLaitayR đã được báo Nghệ An cài đặt để in chữ Thái trong chuyên mục "Bảo tồn vốn cổ". Hiện tại , báo Nghệ An là tờ báo đầu tiên và duy nhất trong cả nước đưa chữ Thái cổ lên mặt báo một cách thường xuyên và bài bản. Không dừng lại ở đây, ông Sầm Văn Bình tiếp tục thiết kế thêm các font chữ Thái hệ Lai- Pao (Thai.LaiPao.ttf) và font chữ Thái hệ Xứ- Thanh (Thai.LaiThanh.ttf). Hai font chữ này phục vụ cho việc nghiên cứu và soạn thảo tài liệu của người Thái nhóm Tay Thanh ở Nghệ An và người Thái nhóm Tay Mương ở vùng Tây Nam Nghệ An. Như vậy, tất cả các font chữ Thái ở Nghệ An đã được thiết kế hoàn thiện. Các bài học về chữ Thái ở Nghệ An cũng được đưa lên trang Facebook để người Thái Nghệ An dù ở đâu cũng có thể tham gia học tập...
Đến nay, xét về ngôn ngữ Thái Ka- đai nói chung, chữ viết cổ cho dù có nhiều bước đi chìm nổi, nhưng tựu trung lại đã phần nào "sánh vai" được với chữ viết của các dân tộc khác để tham gia vào cuộc sống hiện đại, hòa nhập với thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa. Tuy nhiên khi xét chung về tình hình sử dụng ngôn ngữ nói (cả ở Qùy Châu, Nghệ An và cả các địa phương khác) thì xem ra vẫn còn nhiều khó khăn trong việc khôi phục... Mong sao có thêm một nghiên cứu riêng về những thay đổi của việc sử dụng ngôn ngữ nói trong cộng đồng dân tộc Thái Ka- đai khi tham gia vào quá trình phát triển từ truyền thống đến hiện đại, nhằm làm cho mỗi người dân trong cộng đồng quan tâm hơn nữa về việc gìn giữ một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình./.
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/chu-thai-o-nghe-an-truyen-thong-va%CC%80-hien-dai 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM