TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

15/4/15

NÉT VĂN HÓA VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI Ơ ĐU

NÉT VĂN HÓA VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI Ơ ĐU
 
Ảnh. Lễ mừng tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu
Miền tây xứ Nghệ chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có tộc người Ơ Đu. Tộc người Ơ Đu (hay còn gọi là Phrom Ơ Đu) ở Tương Dương (Nghệ An) là một trong số 5 tộc người có dân số ít nhất Việt Nam hiện nay. Người Ơ  Đu

từng có lịch sử đáng tự hào, có cát cứ địa lý riêng, có nền văn hóa riêng, có phong tục tín ngưỡng độc đáo không xen lẫn với bất cứ tộc người nào.Trên huyện miền núi rẻo cao Tương Dương, bản Văng Môn, xã Nga My là nơi có tộc người Ơ Đu sinh sống. Đường vào bản lên dốc xuống đèo, tựa hồ như phải vươn tay ra vén lên lớp màn mây dày đặc thì mới đi qua được.

 Bản Văng Môn nằm nép dưới những sườn đồi phủ xanh cây keo và cây trầm gió. Không như người Mông cư trú làng bản theo hình vành khăn, không giống người Khơ Mú cư trú theo hình tổ chim, người Ơ Đu ở Tương Dương Nghệ An bố trí cư trú dân bản theo hình mặt tập. Qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, tộc người Ơ Đu hiện lưu lại tại đây chỉ còn trên 80 hộ, vào khoảng 700 người sinh sống.

 Lịch sử đã khẳng định, người Ơ Đu có ngôn ngữ riêng. Những truyền thuyết của người Thái hay người Khơ Mú đều cho thấy vùng đất thượng nguồn Nậm Nơn hay còn gọi là ( Sông Lam)  xưa đều là đất do người Ơ Đu khai phá. Những cái tên hang động, tên suối, ngọn núi còn mang đậm thanh âm của tiếng Ơ Đu. Ngôn ngữ Phrom Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me (dòng ngữ hệ Nam Á). Do những biến cố trong lịch sử, các thế hệ Phrom Ơ Đu còn lại bây giờ chỉ có một số rất ít ỏi, người nói được tiếng Ơ Đu thẩm chí còn đếm được trên đầu ngón tay .

Còn về cuộc sống cư dân  thì cũng giống như nhiều dân tộc anh em khác, người Ơ Đu ở nhà sàn. Kiến trúc nhà ở của người Ơ Đu thường có 4 mái, lợp bằng nứa hoặc tranh cỏ, đầu nhà quay vào núi. Một ngôi nhà thường có 4 đến 8 cột, tương ứng với 1 hay 3 gian tùy điều kiện từng gia đình. Khi dựng, bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính (gọi là cột góc ma nhà ở) trước, sau đó mới đến các cột khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Gia đình người Ơ Ðu là gia đình nhỏ phụ quyền. Ðàn ông quyết định tất thẩy các công việc trong nhà. Phụ nữ không được hưởng thừa tự.

Theo tục lệ của người Ơ Đu, khách đến nhà, đặc biệt là khách quý bao giờ họ cũng đem món “lám nhọoc” ra tiếp đãi khách. Món “lám nhọoc” đựng trong những ống nứa có hoa văn, bên trong chứa rau, cà, hoa chuối, lá môn trộn chung với cá, lòng cá và thịt heo, thịt chuột... Ngoài ra còn có rượu “lậu sả thô”. Rượu “lậu sả thô” là loại rượu làm bằng gạo nếp, đựng ủ lâu ngày cho lên men (người Thái gọi là rượu cần) trong hũ. Đối với người Ơ Đu, “lám nhọoc” mà đem ăn sống hoặc nướng qua trên bếp, ăn một miếng, nhấp một ngụm rượu “lậu sả thô” thì không còn gì sánh bằng!

 Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Nhưng có thể nói nếp nương vẫn là loại lương thực chính. Mỗi vụ, mỗi gia đình thường trồng vài ( ha ) lúa nương. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ. Các công việc phát, đốt, gieo hạt được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch, còn vụ thu hoạch là vào tháng 9, tháng 10. Trước khi vào vụ làm nương phát rẫy đầu mùa hay sau khi thu hoạch, người Ơ Đu cũng đều cúng Mẹ lúa, cúng thần rừng thay cho lời cảm tạ và cầu cho mưa thuận, cho gió hòa, cho gia đình mình được ấm êm, no đủ.
Ngoài lúa là giống cây trồng chính, dân tộc Ơ Đu còn trồng sắn và các loại bầu, bí, ngô, đỗ. Phương tiện vận chuyển duy nhất của họ là chiếc gùi. Gùi được đan bằng giang chắc chắn, trang trí hoa văn đẹp mắt. Khi sử dụng, người ta khéo léo kéo dây đeo bên trán, vậy là có thể thồ, vác được.    

Những lúc không lên nương phát rẫy cũng là dịp để những thành viên trong gia đình người Ơ Đu trò chuyện quây quần bên nhau. Người ta hát cho nhau nghe, cùng nhau đan lát. Tiếng cười, tiếng nói giòn tan trong sáng và lung linh hơn cả cái nắng của tiết trời mùa hạ.
Có thể nói nghề đan lát là một trong những tập tục hiếm hoi mà người Ơ Đu vẫn còn lưu truyền và phát triển được cho đến ngày nay. Từ những cây giang, cây mây, bàn tay khéo léo của người Ơ Đu đã tạo nên những vật dụng mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Đó là chiếc thảm đan bằng nứa, chiếc nong phơi ngô, phơi thóc, gùi mây có dây đeo trán hay dụng cụ đánh bắt cá riêng biệt và rất nhiều loại khác. Một phần sản phẩm người Ơ Đu dành cho tiêu dùng, phần còn lại để trao đổi và phát triển kinh tế.

Ngoài những việc sinh hoạt đời thường ra người Ơ Đu là tộc người duy nhất có cuộc sống phụ thuộc vào sấm trời. Mọi việc trọng đại, lớn nhỏ trong gia đình, trong dòng họ và kể cả công việc chung của cộng đồng cũng đều được bắt đầu từ tiếng sấm. Sấm nghĩa là năm mới đến. Sấm nghĩa là một mùa gieo trồng mới bắt đầu. Sấm như năng lượng mà thượng đế ban tặng cho những người con Ơ Đu yêu dấu của ngài.

Người Ơ Đu tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên. Đây là tập tục cổ xưa của các dân tộc thiểu số sống bằng nghề trồng trọt.

 Đối với tộc người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới (còn gọi là lễ champhtrong) là lễ hội lớn nhất trong năm, thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, vào tháng 2 – tháng 3 âm lịch. Cho đến khi mọi công việc quan trọng trong bản xong xuôi thì lễ hội mới kết thúc. Vào những ngày này, bà con tổ chức rất long trọng, giết trâu, mổ lợn ăn uống linh đình.

Nghi lễ đầu tiên trong ngày chămphtrong là phong sắc, phong tước  cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thày mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành.

Những đứa trẻ sinh trong năm, đến ngày chăm phtrong được các thày mo đến nhà làm lễ nhập họ và chính thức đặt tên. Nếu chưa có sấm, đứa trẻ Ơ Đu vẫn chưa được thành người. Chỉ khi trời đất rền vang tiếng sấm đầu mùa, lúc này gia đình mới tổ chức lễ để đặt tên cho đứa trẻ. Tuổi của đứa bé cũng bắt đầu được tính từ đây.

Người Ơ Đu phụ thuộc vào tiếng sấm, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được coi là siêu thoát. Trong gia đình người Ơ Đu, khi người vợ hay người chồng không may qua đời, họ phải làm lễ chia của và khóc cho người chết. Ngoài mâm đồ cúng lễ, quan trọng nhất là phải có 1 đồng xu chia làm đôi. Một nửa người sống giữ lại còn nửa kia chôn theo người quá cố. Nếu vợ hay chồng của người quá cố muốn đi bước nữa, họ cũng phải chờ tới tiếng sấm đầu năm. Có sấm, mới bắt đầu lễ cúng, mới xin phép được người quá cố cho đi bước nữa.

Quan niệm về thế giới vĩnh hằng của dân tộc Ơ Đu cũng gần giống với dân tộc Thái. Ngoài các then như Then Luông, Then Vi, Then Bắc còn có thêm Then Na cai quản ruộng nương. Họ cho rằng những người bị hổ ăn thịt, bị chết hoặc mất tích trong rừng không phải do ma rừng bắt mà do Then Na bắt đi làm lính hầu trông coi nương rẫy. Theo người Ơ Đu, linh hồn con người trú ngụ ở 2 nơi, một là nơi chỏm tóc, hai là nơi thân xác. Vì vậy, người Ơ Đu tuyệt đối kiêng kỵ không xoa đầu trẻ con. Tục truyền làm như vậy hồn sẽ sợ và bay đi mất, đứa trẻ do đó mà gặp vận hạn, hay đau ốm.

Người Ơ Đu rất quan tâm chú trọng đến việc thờ cúng ma nhà. Dân gian truyền lại, ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Nơi thờ ma nhà tại góc hồi của gian thứ hai. Bàn thờ của người Ơ Đu đơn giản, treo cao sát mái nhà, ở đó có bát đựng trầu, đựng cau và treo lá bùa. Người Ơ Đu quan niệm khi trong nhà có việc chẳng lành như có người  ốm đau, bệnh tật kéo dài chữa trị không khỏi, hỏa hoạn hay có người chết, vật nuôi chết hay thất lạc,...là do ma nhà hay hồn ở chỏm tóc phật ý mà làm hại. Lúc này, người ta mời thày mo đến cúng ma nhà, cúng hồn chỏm tóc với nhiều lễ lạt trâu, lợn, gà, quần áo, gạo, bạc nén, rượu cần... để hỏi xem ma nhà hay linh hồn phật ý về vấn đề gì, sau đó tiếp tục bày lễ xám hối và cầu xin ma nhà hay linh hồn tha thứ và đừng làm hại gia đình.

Phải nói rằng dân tộc Ơ Đu có một nền văn hóa và phong tục tín ngưỡng rất độc đáo. Sau bao biến động của lịch sử, ngày nay do dân số ít, phải sống xen kẽ cùng với người Khơ Mú và người Thái dẫn đến về mặt quan hệ xã hội và văn hóa của người Ơ Đu phải chịu nhiều ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ mai một.

Ảnh. trang phục truyền thống người Ơ Đu


Bài và ảnh: Lô May Hằng
VTIK huyện Tương Dương Nghệ An.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM