Thực hiện thôn tự quản tại xã An Phú, Mĩ Đức
Người viết Đặng Đức Nghĩa
Trung tâm Vì sự phát triển bền vững Miền núi
Pháp lệnh dân chủ cơ sở được
thực hiện thông qua Mô hình thôn tự quản và chìa khóa của nó là hương ước thôn
đã và đang được chính quyền thôn, xã ủng hộ và được xem là nền tảng cho việc
thực thi dân chủ ở cơ sở, là động lực
cho phát triển ở mỗi thôn và toàn xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
An
Phú là xã miền núi duy nhất và là xã nghèo nhất của huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây
cũ. Xã cách trung tâm huyện Mỹ Đức 12 km về phía Tây Nam, có 1740 hộ với 7606
nhân khẩu. Xã có 13 thôn, có 3 dân tộc chung sống trên địa bàn xã, người Mường
chiếm tỉ lệ lớn nhất 70,96 %, người Kinh chiếm 28,89 %, người Thái chiếm 0,15%
(số liệu năm 2009 của UBND xã An Phú). Về địa hình có ba dạng địa hình chính ở
xã An Phú: vùng đất thấp chịu lụt lội pha lẫn diện tích mặt nước hẹp không lưu
thông, vùng đồi và vùng núi đá vôi. Tổng diện tích đất tự nhiên của An Phú là
2,227 ha, trong đó: đất lâm nghiệp chỉ có 956,44 ha và đất nông nghiệp có 613,21
ha (đất 1 vụ 385,4 ha; đất 2 vụ 227,2 ha).
Do điều kiện địa
hình phức tạp nên giao thông trong xã rất khó khăn, trước năm 2007 không có
đường ô tô đến xã, từ năm 2007, đường Hồ Chí Minh qua đi xuyên qua địa bàn xã,
đường liên huyện, xã, thôn được xây dựng đều khắp thôn xóm tạo điều kiện thuận
lợi cho xã An Phú phát triển nhanh.
Về trình độ học vấn của người dân, 50 % chủ hộ học hết cấp 2, số còn lại
học hết hoặc chưa hết cấp 1, số chủ hộ học hết cấp III và các trường dạy nghề
chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số học sinh học cấp III trong những năm gần đây cũng
đã tăng đáng kể, một số đã đi học các trường đại học và dạy nghề khác.
Về kinh tế,
trước năm 2000, lương thực bình quân đầu người là 220 kg/năm, thu nhập bình
quân 986.000đ/đầu người/năm. Có nghĩa chỉ đủ ăn 6 tháng, 6 tháng không đủ gạo
ăn, phải độn thêm khoai sắn, nhiều gia đình bị đói và đứt bữa. Cả xã không có
nghề phụ, kinh tế không phát triển, nghèo và đói cứ dai dẳng đeo bám cuộc sống
người dân. Hàng năm nhà nước phải cứu trợ, cả xã có 54% hộ đói nghèo. Đến nay,
từ khi nhà nước đầu tư các chương trình xóa đói giảm nghèo, 134, 135, cùng với
sự tài trợ của dự án Caritas, diện mạo An Phú ngày càng thay đổi. Không còn
cảnh đói kinh niên, bình quân lương thực hiện tại 447kg/đầu người/năm. Thu nhập
bình quân đầu người/năm là 3.700.000 đồng. Nhiều nghề phụ đã hình thành trong
xã, như đan mây giang, trồng nấm, nuôi ong,…Theo tài liệu của thống kê xã, số
hộ nghèo hiện là 458 hộ, chiếm 26,3%.
Đời sống của nhân dân trong toàn xã chủ
yếu gắn liền với nông nghiệp và đánh bắt cá trên sông, hồ, trình độ canh tác còn thấp năng suất vật nuôi cây
trồng chưa cao nên cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Nổi cộm lên là tình hình
an ninh trật tự xã hội còn nhiều vấn đề
như: cãi chửi nhau, đường làng ngõ xóm mất
vệ sinh đầy rác thải, phân gia súc…...
Đầu năm 2008, Trung tâm Vì sự phát triển
bền vững Miền núi – CSDM đã cùng phối hợp với Caritas Thụy Sỹ thực hiện dự án
“Sinh kế bền vững An Phú” 2007 - 2010 và chủ trì hai hợp phần Nông nghiệp bền
vững và Nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân xã An Phú. Bằng những kinh
nghiệm nhiều năm của mình trong lĩnh vực thực hiện quyền dân chủ của người dân
tại các tỉnh Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La và Điện Biên CSDM đã chọn mục tiêu chính
cho hợp phần Nâng cao năng lực là thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã,
phường và thị trấn. Nhiều hoạt động đã được triển khai và một trong những hoạt
động đó là xây dựng thôn tự quản. CSDM đã tập huấn qui trình xây dựng, tổ chức
thực hiện và chỉnh sửa bổ sung hương ước, qui
ước cho toàn bộ cán bộ cán bộ 13 thôn, bao gồm: Trưởng, phó thôn; bí thư
chi bộ; trưởng ban công tác mặt trận; trưởng các ban ngành đoàn thể và một số
cụ cao tuổi tiêu biểu trong thôn. (Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định
các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều
chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát
huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn
làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà
nước bằng pháp luật).
Sau khi được tập huấn, cán bộ 13/13
thôn đã theo trình tự các bước xây dựng, hoàn thiện hương ước. Đến tháng 8 năm
2008, hương ước 5 thôn đã được UBND xã, huyện phê duyệt và các nội dung
qui định trong hương ước đã và đang được
các hộ gia đình trong các thôn này thực hiện rất tốt. Sau một năm hương ước đi
vào hoạt động, theo nhận xét của Anh
Đinh Công Võ - trưởng thôn Đồi Dùng thì trong thôn đã có rất nhiều thay
đổi như: tình hình mất an ninh trật tự do cãi chửi nhau gần như là không
còn; đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn,
người dân trong thôn đoàn kết hơn và
chăm chỉ làm ăn; phong trào tham gia học
tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đông đảo bà con tham gia nhiệt
tình. Anh Võ còn nói: “toàn bộ các hộ gia
đình trong thôn đều phấn đấu tích cực thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng
các nội dung đã qui định trong hương ước để thôn Đồi Dùng sớm được công nhận là làng văn hoá”. Đây là ví dụ
trích từ qui định chung trong hương ước của thôn
Đồi Dùng: “Qui ước này là của dân lập ra do dân, vì dân trong thôn. Vậy
mọi người phải gương mẫu thực hiện để đưa xóm làng yêu quí của chúng ta không
ngừng phát triển mọi mặt. Từng bước hoàn thiện
để trở thành làng văn hoá, có cuộc sống văn minh, giàu đẹp và tiến bộ.”
Để hiểu rõ
và thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh dân chủ cơ sở ngoài việc tập huấn qui trình
xây dựng hương ước, qui ước thì tháng 5 năm 2009 dự án còn hỗ trợ cho cán bộ xã
thôn đi tham học tập mô hình tự quản tại xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh
Thái Bình.
Chuyến
tham quan học tập được chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao. Sau chuyến tham quan học tập Đảng
Ủy đã ra chỉ thị 04 của về việc thực
hiện tự quản tại các chi bộ và thôn
xóm tóm tắt bằng hai khẩu hiệu: “Địa bàn trong sạch, nông thôn
đổi mới, xã hội an sinh” và “Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường, sạch khu dân cư.”
|
Ý thức được tác dụng thiết thực của tự quản là
rất tốt đối với địa phương, với sự hỗ trợ kĩ thuật của CSDM, các thôn đã tiến
hành họp dân, phân tích và thảo luận về tác dụng của việc thực hiện tự quản. Các
thôn đã tự động chia thôn ra thành các tổ tự quản, mỗi tổ được hình thành theo từng cụm
dân cư hoặc ngõ xóm, các thành viên thống nhất xây dựng những quy định hoạt
động và bầu ra tổ trưởng, tổ phó, thư ký (các thành viên này hoạt động không có
tiền công - hoạt động trên tinh thần tự nguyện). Các thành viên trong tổ tự quản còn
tự nguyện đóng quỹ, mỗi hộ gia đình từ 30.000 – 50.000 đồng để làm quĩ thăm hỏi
động viên nhau khi ốm đau, khi có việc hiếu, hỷ… Đặc biệt hơn từ khi các tổ tự
quản hình thành gia đình nhà nào trong tổ có việc hiếu, hỷ mọi thành viên trong
tổ đều đến làm giúp và không ăn cơm tại gia chủ. Các tổ tự quản này còn đăng ký
thi đua thực hiện các phòng trào của Đảng, nhà nước và của xã, thôn đề ra. Hàng
năm có họp tổng kết và có khen thưởng.
Ngày 2 tháng 3 năm 2011 vừa qua, một
cuộc họp tổng kết phong trào xây dựng thôn tự quản đã được tổ chức tại xã An
Phú với sự tham dự của cán bộ lãnh đạo đảng ủy, UBND và cán bộ thôn xóm, nhiều
kinh nghiệm và những tác động tích cực của việc thực hiện tự quản đã được chia
sẻ. Hiện nay trên địa bàn xã đã 13/13 thôn đã xây dựng được hương ước/qui ước, thành
lập được 26 tổ tự quản tại 9 thôn. Nhận xét chung của chính quyền và người dân
trong toàn xã là: tại những thôn đã và đang thực hiện hương ước và tự quản có
thể thấy tác động rất rõ là vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp,
nhà cửa sạch sẽ; hiện tượng đánh cãi chửi nhau giảm hẳn, an ninh thôn xóm được
đảm bảo, tệ nạn xã hội giảm; mọi người đoàn kết giúp đỡ, thi đua áp dụng khoa
học vào sản xuất….góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội nói chung
của địa phương. Một số kinh nghiệm xây dựng thôn và tổ tự quản cũng được các
trưởng thôn chia sẻ như mỗi tổ tự quản chỉ nên có khoảng 30 hộ, các tổ nên đóng
góp quĩ, nên có tổng kết, khen thưởng… Chính quyền xã còn đưa ra quyết tâm sẽ đảm
bảo tiếp tục thành quả của dự án bằng cách hỗ trợ cho các thôn xóm thành lập
các tổ tự quản vì đây không chỉ là hoạt động dự án mà nó đã trở thành mong muốn
và nhu cầu nội tại của người dân trong xã.
Bài thơ của ông Tuyển – tổ trưởng tổ tự quản, thôn Ái Nàng, xã An Phú đã được đọc tại cuộc họp tổng kết phong trào xây dựng thôn tự quản ngày 2/3/2011 |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét