TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

11/2/14

Hành trình đi tìm chữ Thái

Lần theo "câu chuyện chữ Thái", tôi tìm đến Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (Trung tâm) ở Hà Nội. Những gì Giám đốc Lương Thị Trường kể thật đáng ngạc nhiên và thú vị, cho thấy có một nguồn mạch "ngược" về cội âm thầm nhưng rất bền bỉ, chảy suốt bao năm qua.

Khoảng năm 1958, bộ chữ Thái cải tiến ra đời, dạy đến năm 1964 thì dừng vì 8 "vùng chữ" trong nước có những sắc thái khác nhau. Đầu những năm 1990, nhà Thái học Cầm Trọng đặt ra bộ chữ thống nhất, dạy thử ở Mai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An thì có nhiều âm không biểu đạt nổi qua 6 thanh của tiếng Kinh, tức là không thể la tinh hóa. Sự tình bức xúc nhưng phải dừng, trong khi vốn văn hóa, kinh nghiệm sống từ bao đời cứ hao hụt. Rồi năm 2007, Mạng lưới Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam (VTIK) thuộc Trung tâm mở một hội thảo quy tụ nhiều cán bộ, giáo viên từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, "bàn bao nhiêu việc, trong đó có chữ". Sau vài cuộc nữa, năm 2008, bộ chữ thống nhất lấy cơ sở là chữ Thái Sơn La ra đời, với những "dấu", "nét", "chữ" thêm vào cho phù hợp từng địa phương. "Cột mốc lớn được tạo ra từ nguồn kinh phí bé" này được soạn thành hai tập tài liệu dạy đọc, viết, ghép vào nhau đánh vần được, đưa về các địa phương dạy thử, có ghép thêm màu sắc riêng, rồi quay về Trung tâm đúc rút tiếp. Những lớp học mở ra, đa phần do giáo viên, cán bộ ngành văn hóa phụ trách, như thầy Lò Văn Duyên ở thành phố Điện Biên, thầy Sầm Văn Bình ở Quỳ Hợp - Nghệ An. Ở Nghĩa Lộ - Yên Bái, học viên nữ của thầy Lò Văn Biến rơi nước mắt khi đọc "Ý Nọi Nàng Xưa", câu chuyện cổ "kiểu" Tấm Cám của người xuôi, hay biết thêm những món ăn truyền thống. UBND các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa đã có văn bản về dạy chữ dân tộc, nhiều nơi đưa vào quy chế tăng lương cho cán bộ, bộ đội, công an, biên phòng nếu có chứng chỉ học, để họ nắm dân, đọc được tờ rơi kẻ xấu phát tán. Tiếp đến là những cuộc giao lưu, trao đổi, như Mai Châu thi viết chữ đẹp mời thầy từ Thanh Hóa vào ban giám khảo.
Trang sách hướng dẫn học chữ Thái do thầy Sầm Văn Bình (Quỳ Hợp, Nghệ An) biên soạn.
Còn nhiều khó khăn từ bên ngoài và cả trong, từ nhận thức đến chi tiết học thuật, tựu trung có thể coi bộ chữ Thái thống nhất đã hình thành xong, do nhu cầu tự thân của cộng đồng. Cũng không thể không nhắc đến cơ sở pháp lý của nó là Điều 5 trong Hiến pháp, mới đây nhất là Nghị định 05 "Về công tác dân tộc" của Chính phủ (năm 2011), Điều 3 của Nghị định ghi "Bảo đảm việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc". Ngoài được sống lại với quá khứ qua những "Quắm tố mường", "Xống chụ xôn xao", người học còn được học các tài liệu dạy tri thức ứng xử với thiên nhiên, sinh đẻ vừa đủ, giữ rừng… để có được cuộc sống hài hòa, chất lượng. Việc học còn khiến con người ta giữ đạo đức, nết ăn ở với nhau. Giám đốcLương Thị Trường "đúc kết" về bản sắc: "Việc toàn cầu hóa hay giữ gìn sự toàn vẹn, thống nhất một quốc gia là cần thiết, nhưng ai cũng nói, cũng nghĩ giống nhau thì tẻ nhạt lắm".
*
Hành trình dõi theo con chữ Thái đưa chúng tôi lên Sơn La, địa phương (có lẽ) có việc học quy củ, nền nếp nhất. Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo nằm khá gần di tích nhà tù Sơn La nổi tiếng, nơi người Pháp từng giam cầm những chiến sĩ tranh đấu cho nền độc lập của Tổ quốc và tự do của từng tộc người. Những lớp học tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Lào đang nhộn nhịp, học viên đủ thành phần, đông chả kém những lớp dạy luật, dạy nghề là mấy; một "phong cảnh" hơi bất ngờ với kẻ từ xuôi "cả đời chỉ biết đến văn hóa Kinh" lên. Và một điều nữa cũng bất ngờ: tại cái nơi thường chỉ được hiểu là đào tạo các bậc học phổ quát, thiết thực kiếm sống, lại "tụ tập" những trí thức ưa nghiền ngẫm. Trong khoảng 6 năm qua, với địa hạt giáo dục dân tộc, TT GDTX đã thực hiện 5 đề tài khoa học: "Nghiên cứu, biên soạn chương trình, tài liệu dạy chữ dân tộc Thái tỉnh Sơn La" (do Hoàng Trọng Đinh, chủ nhiệm), "Văn học Sơn La từ 1930 - 2005", "Nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc để đưa vào chương trình văn học dân gian địa phương lớp 6 - 7 Trường THCS tỉnh Sơn La" (do Hoàng Kim Ngọc), "Thiết kế phần mềm font chữ Thái trên vi tính", "Nghiên cứu, biên soạn chương trình chi tiết, tài liệu dạy tiếng, chữ dân tộc Thái cho cán bộ công chức viên chức tỉnh Sơn La" (do Lò Mai Cương).

Thạc sĩ Lò Mai Cương sinh ra trong một gia đình Thái "có nòi". Cụ thân sinh là Lò Văn Mười, khoảng đầu những năm 1940 đóng lính ở nhà ngục Sơn La nên còn gọi "Quản Mười". Được tù chính trị tại đây cảm hóa, ông quản trở thành cơ sở cách mạng, hòa bình về làm Trưởng ty Giáo dục Khu tự trị Thái Mèo (vùng Tây Bắc cũ). Chị Cương học vật lý, nay làm về chữ Thái, phần nào vì những day dứt ông cụ ghi lại trước khi mất: "Tại sao chữ Thái không được đưa ra học? Việc học nếu có thì dùng hệ cải tiến hay chữ cổ?..."; có nghĩa là cơn cớ hay "chi tiết kỹ thuật" đều đã được nghiền ngẫm kỹ lắm.

Về chữ Thái cải tiến - dạy cách nay 50 năm, Lò Mai Cương không biết nhiều, chỉ hay rằng "dân không thích vì không theo lối cổ". Chị kể về giai đoạn hiện nay: "Chỉ thị 38 của Chính phủ định rằng cán bộ, công chức, bộ đội, công an… công tác ở vùng dân tộc phải biết một thứ tiếng dân tộc rất thuận lợi cho chữ Thái trở lại. Sơn La xây dựng cả một chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Thào Xuân Sùng làm chủ nhiệm đề tài "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái". Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng ủng hộ bằng Thông tư 01 ra năm 1997 về "Đào tạo hướng dẫn việc dạy học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số". Đề tài khoa học "Thiết kế font chữ Thái trên máy vi tính" của tôi làm ở cấp tỉnh, được mã hóa UNICODE với 72 ký tự. Đem về hội thảo ở Hà Nội, nó được nhất trí lấy làm bộ chữ chung, từng địa phương bổ sung kí tự cho viết, nói đúng sắc thái của mình. Về kích thước, nó chuẩn hơn chữ viết tay bằng bút lông trên sách cổ, mà dùng vẫn đọc được sách ấy".

Từ khi có các văn bản của Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo đến nay, TT GDTX Sơn La đã mở 11 lớp dạy tiếng, chữ Thái cho 499 người, đa số ở các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang trong tỉnh. Ngoài ra, là 5 lớp tiếng Mông cho 116 người, 1 lớp tiếng Lào cho 21 người. Nhiều ý tưởng, đề án đang được nung nấu tại đây, như các trường học từ mầm non trở lên đều có ít nhất 1 giáo viên nói, đọc, viết thành thạo chữ, tiếng dân tộc thiểu số, đưa việc dạy tiếng dân tộc vào chương trình phổ thông…

Nghe tôi kể về "hành trình đi tìm chữ Thái", nỗi bức xúc của các trí thức già, sự e dè của cán bộ huyện, xã, Lò Mai Cương cười và giải thích: "Đã có văn bản cho phép cả rồi, nhưng nhận thức từng địa phương khác nhau nên nơi khuyến khích, nơi ngần ngại, nghĩa là lại còn phụ thuộc vào bản thân người chịu trách nhiệm nữa".

Câu nói "thêm" ấy làm tôi phải nghĩ đến hình ảnh ví von của vài cán bộ người dân tộc khi động đến các "quyết sách". Nhưng lại ít nhiều, nó phản ảnh một lối nghĩ thụ động, trông chờ "trung ương" từ chuyện tiền nong đến bảo tồn bản sắc. Vì sao có tâm lý thụ động này, cũng lại là điều cần phải nghĩ…

1 nhận xét :

  1. Trang weste của chú Công đẹp nhưng còn ít tư liệu quá. Nên vận động các thành viên đóng góp bài cho chuyên trang phong phú hơn.
    Lường Đức Chôm - Thành viên VTIK tỉnh Hòa Bình

    Trả lờiXóa

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM