TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

14/5/15

Khám phá cộng đồng người Mông miền tây Nghệ An:


Khám phá cộng đồng người Mông miền tây Nghệ An:

Mặt trời soi trên mái sa mu

 

Trong chuyến khám phá những điều độc đáo của cộng đồng người Mông ở Nghệ An, có một nếp bản khiến chúng tôi dừng chân. Đó là bản Buộc Mú (xã Na Ngoi – Kỳ Sơn). Đây là một bản cổ của người Mông có lịch sử đến cả trăm năm. Dưới ánh mặt trời, những mái nhà sa mu hiện lên vừa cổ kích lại phảng phất sắc màu huyền ảo.

Trên bước đường đi tìm những sự lạ trong cộng đồng Mông huyện Kỳ sơn, có một bản nhỏ bên chân núi Pù Xai Lai Leng như níu bước chân chúng tôi. Không chỉ bởi vẻ yên bình của nó mà còn do không gian sống nơi đây có phần “lạ” so với những cộng đồng người Mông khác. Người Mông có truyền thống cư trú trên núi cao nhưng khi vào bản Buộc Mú xã Na Ngoi lại cquần tụ dưới thấp, bên chân núi. Quanh bản có ruộng nước bậc thang canh tác lúa nước. Không  gian sinh sống khiến người ta dễ hình dung đến một bản người Thái vùng núi thấp. Buổi chiều muộn, những phụ nữ Mông vóc dáng nhỏ bé gùi trên lưng chiếc gùi gọi là “lù cở” lặng lẽ dắt theo đàn bò về bản. Họ chỉ lặng lẽ cười khi nhận được câu chào. Đàn bà con gái nơi đây lớn lên là lấy chồng, đi rẫy, chăn bò, chăn trâu tiếng Kinh, tiếng Thái đều không sõi. Họ chỉ biết đáp lễ bằng nụ cười. Bày trẻ hì hụi với chiếc cuốc trên đám đất cạnh nhà.

Chúng tôi thả thẩn suốt những nẻo đường đất khá bằng phẳng trong bản. Lúc này hoàng hôn sắp buông và mặt trời chìm khuất sau rặng núi phía bản Phà Nọi xã Mường Típ. Dưới ánh mặt trời, những mái nhà lợp gỗ sa mu hiện lên với vẻ trầm mặc và hoang sơ. Chúng tôi từng nghe rằng những mái nhà sa mu dễ chừng sống thọ bằng mấy mấy đời người. Một, hai trăm năm vẫn không mục nát. Người ta cho rằng thứ gỗ này chịu được sự khắc nghiệt của thời gian là nhờ tinh dầu có trong thân cây, rất kỵ với mối mọt. Mỗi căn nhà Mông là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Quanh năm suốt tháng chìm trong vẻ im lìm. Cửa chính chỉ mở khi người ta lên rừng, lên rẫy vào buổi sáng sớm và trở vè nhà lúc xẩm tối.

Bước chân vô định dẫn chúng tôi đến nhà bí thư chi bộ Xồng Tồng Chò. Căn nhà khá khang trang, kiểu cách hiện đại. Cột kèo, phên vách mài trơn láng bóng. Nền nhà đổ bê tông nom rất kiên cố. Dù không lợp mái, thưng vách bằng ván chẻ như kiểu nhà cũ ngày xưa nhưng kiến trúc, không gian sống vẫn như ngôi nhà Mông xưa. Gian trong là căn buồng của cha mẹ, buồng ngủ của con gái, con dâu ở gian ngoài. Gian nấu nướng đúc một chiếc bếp hình khối bằng đất sét. Gia chủ cải tiến thêm cửa chính, cửa sổ nên trong nhà sáng sủa hơn căn nhà Mông cổ xưa. Nghe đâu những ngôi nhà Mông ở Na Ngoi đều cùng một tốp thợ người Hà Nam “nằm vùng” suốt hàng chục năm làm nên vừa giữ được không gian truyền thống lại có pha ít nhiều sắc màu hiện đại.

Sau phút làm quen ngắn ngủi, anh Tồng Chò dẫn chúng tôi đi thăm cụ Xồng Rua Chỏ, già làng uy tín, cũng là người còn nhớ được nhiều chuyện xa xưa về bản nhỏ này. Cụ Rua Chỏ đã sống qua bảy chục mùa rẫy nên chuyện của cụ vừa có không khí cũ xưa lại vừa có không gian hiện tại. Dẫu vậy phải nhờ anh Tồng Chò “phiên dịch” chúng tôi mới lĩnh hội được câu chuyện của cụ.

Cụ Rua Chỏ kể rằng những ngôi nhà của người Mông họ Xồng ở bản Buộc Mú có từ cách đây bảy đời người rồi. Khi ấy có hai anh em bị người Hán đánh đuổi chạy từ bên Tàu sang. Một người sang Lào cư trú, còn một người tên gọi Xồng Xái Tủa đến ở cùng người họ Lầu để đánh đuổi người Pháp đến xâm lược. Sau nhiều năm thì có cách mạng, có bộ đội đến giúp sức mới đánh lui được giặc ra khỏi đất Na Ngoi. Lúc ấy bản Buộc Mú ở trên ngọn núi cao có cái vũng nước lớn. Một bầy lợn lòi đông vô kế thường tìm đến đầm lầy đằm bùn, từ đó thành tên gọi của bản. Hầu hết các bản người Mông ở Na Ngoi đều đặt theo tên tiếng Thái và Buộc Mú có nghĩa là cái vũng lợn lòi đằm.

Sau khi đánh lui được người Pháp rồi thì bà con trong bản ở trên cao lại phải chịu đói vì mất mùa, một số còn chết vì bệnh dịch.Một lần nữa bộ đội lại ra tay giúp dân. Họ khuyên dân bản nên về chỗ thấp để dựng bản tránh nơi có dịch bệnh lại bày cho người Mông ở Buộc Mú vỡ đất hoang dẫn nước vào để cấy lúa. Cây lúa nước chín nhanh lại nhiều hạt hơn lúa rẫy. Giống nếp, giống tẻ đều có. Bà con nghe lời nói phải  liền làm theo. Người bản Kẻo Bắc, Xiềng Xí cũng đến ở gần làm nên một cụm bản đông vui lại chẳng phải sợ giặc, sợ thú dữ nữa. Từ đó bản Buộc Mú có điều lạ mà nhiều bản Mông khác không thấy đó là những thửa luộng bậc thang bao bọc bên người như ấp ôm cho cuộc sống đỡ phần khó khăn.

Câu chuyện của cụ Rua Chỏ còn chưa dứt thì nhà bên vang lên tiếng khèn Mông. Tiếng khèn trầm đục khiến không gian đêm tối như thêm phần đậm đặc. Cụ Rua Chỏ bảo đó là điệu khèn “tờn đí”, bài học vỡ lòng của người tập khèn. Còn cậu cháu trai học lớp 7 thì tự hò choa biết người thổi khèn là Lầu Bá Gô, bạn cùng trang lứa của cậu. Bản thân cậu cũng rất thích thổi khèn nhưng bận việc học, lại lo đỡ đần cha mẹ, ông bà nên chưa học được. Trước khi biết cầm cái khèn đặt lên môi, cụ Rua Chỏ đã “đe”” rằng chăm chỉ lại sáng dạ cũng phải mất một năm mới biết hết các bài khèn còn không chú tâm có học đến mười năm cũng chẳng biết.

Trên đường dẫn chúng tôi trở lại nhà, anh Xồng Tồng Chò cho nói thêm: Trong bản dù có nhiều người đã vào cấp ba, đi đại học về những vẫn không thể bỏ được cái khèn. Hễ rảnh việc là cánh thanh niên lại tập thổi. Nhớ có lần, hỏi chuyện anh cán bộ đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh. Khi nói chuyện về cây khèn Mông, anh thanh niên 30 tuổi này tỏ ra rất hào hứng. Lần nào tổ chức giao lưu văn hóa với những xã lân cận anh cũng đứng ra ứng thí. Dù giải thưởng có thể thấp hay cao, nhưng được cầm cái khèn lên thổi và múa là vui rồi.

Mặt trời vừa ló rạng thì chúng tôi cũng rời bản Buộc Mú. Phụ nữ trong bản đã bắt đầu mang guì lên rẫy. Lúc này tôi mới có dịp ngắm kỹ những mái Mông cổ kính trong bản. Phần lớn những ngôi nhà vẫn lợp ván sa mu. Cũng như từ gia anh Tồng Chò, nhiều nhà đã có điều kiện cải tiến không gian sống của mình cho phù hợp hơn với xu thế mới nhưng họ vẫn giữ lại mái nhà cổ. Lại nhớ đến câu nói của một thầy giáo Mông ngay nào: Ngôi nhà của dân tộc mình quan trọng nhất vẫn là cái mái. Câu nói vứa chân thực lại mang hàm ý sâu xa. Mái nhà cũng như nếp sống cộng đồng dòng họ của người Mông sẽ không phai nhạt trong thời đại mới.

Ở phía ngoài bản, đồng lúa đã lên xanh như bao bọc cuộc sống con người. Không gian ấy khiến bản nhỏ này như gần gũi hơn với các cộng đồng dân tộc khác.  Trong làn gió sớm, những gợn sóng lúa lăn tăn trên từng thửa bậc thang. Lúa đang cười dưới nắng sớm. 

 

Bài ảnh: Vi Văn Chồông Báo Nghệ An.

( Hình Ảnh; một góc bản Buộc Mú)

Ruộng nước của người Mông bản Buộc Mú

Lên rẫy vào buổi sớm mai

Những ngôi nhà lợp mái sa mu trong bản

Nét tân thời trong kiến trúc nhà Mông ở Buộc Mú

Một góc bản Buộc Mú

Phụ nữ trong bản lên rẫy

Nhà người Mông ở Buộc Mú

 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM