TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

21/1/14

Trả lại tên cho “em”

Trả lại tên cho “em”

Trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi trong nó còn cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.
Bản em tên phố thị
Đã 14 năm nay, bản Noỏng - phường Pú Trạng được chuyển thành tổ dân phố 15 nhưng tên gọi mới này đến giờ vẫn xa lạ với chính nhiều người dân trong tổ. Đứng giữa tổ, hỏi người dân rằng: “Có biết tổ 15 ở đâu không?”, câu trả lời của nhiều người là “không biết”. Cái điều tưởng như vô lý ấy lại hoàn toàn là thực. Có lẽ, chỉ những “cán bộ” của tổ như ông tổ trưởng, chi hội trưởng hội phụ nữ, cộng tác viên dân số, bí thư chi đoàn... mới biết đến tên mới của bản mình bởi như ông tổ trưởng Hoàng Trung Ngoãn cho biết: “Tôi thường đi họp ở phường thì mới biết về sự thay đổi này thôi”.
Những cái tên mới quả là đầy chất phố thị nhưng đã mười mấy năm “thay tên đổi họ” mà cho đến bây giờ vẫn không đi được vào đời sống, không những thế lại vẫn còn lạ lẫm với nhiều người dân. Về thị xã nếu hỏi các tổ dân phố này ở đâu thì gần như không người dân nào biết, nhưng nếu hỏi các thôn bản Căng Nà, bản Lọng, bản Mâu... thì không ai lạ. Thậm chí, một cán bộ phường cũng đã từng thừa nhận rằng, nếu nhắc đến những nơi này bằng cái tên mới thì nhiều lúc không thể nhớ ngay ra nó ở đâu...
Những điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi những cái tên mộc mạc, rất làng bản ấy đã tồn tại hàng bao đời nay, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người không dễ gì thay đổi. Người dân vẫn gọi thôn bản mình bằng cái tên thân quen, những cánh thư đề tên cũ vẫn về đúng địa chỉ. Và rằng, trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi còn mang theo mình cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.
Không đơn giản chỉ là một cái tên
 Năm 1995, khi thị xã được tái lập, các thôn bản thuộc thị xã được đặt lại tên theo kiểu quen thuộc của đơn vị hành chính thuộc phường: bản Cang Nà thành tổ dân phố 20 phường Trung Tâm, bản Lọng thành tổ dân phố 16, 17 phường Pú Trạng, bản Mâu là tổ dân phố 1 phường Cầu Thia, bản Tông Co là tổ dân phố 6, 7, 8 phường Tân An... 12 bản được đổi tên cả thảy. Đấy là những bản  của người Thái Đen, Thái Trắng Mường Lò.
Người già bản Noỏng kể lại rằng: Thuở mới lập bản, ở đầu bản có một cây noỏng rất to, nhựa cây noỏng khi tẩm vào đầu mũi tên bắn trúng con thú nào là chết con thú đấy. Nhưng một ngày kia, ông phó lý của bản sai người chặt cây noỏng ấy đi, liền sau đó, vợ ông bị điên. Dân bản đều cho rằng đó là do thần cây noỏng làm. Họ tin vào sức mạnh thần bí của cây noỏng và cây noỏng trở thành đại diện cho sức mạnh của dân bản. Cái tên bản Noỏng ra đời từ đó. Đến nay, trong lễ cúng bản vào tháng 7 hàng năm, bao giờ cũng mời thần cây noỏng đến dự đầu tiên và cầu mong thần phù hộ cho dân bản mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, bà con sống vui vẻ, đoàn kết. Tên bản Noỏng ra đời trong màu sắc tín ngưỡng tâm linh, tồn tại suốt bao đời nay như một phần văn hoá của người Thái bản này.
Còn bản Pá Khết - phường Trung Tâm như người dân vẫn kể lại thì trước đây, khi nhà dân trong bản chưa nhiều, khắp khu vực bản bây giờ là một rừng cây gọi là cây khết. Cây khết là nơi để nuôi con cánh kiến để các cô gái Thái nhuộm vải, vỏ cây khết được các cụ cao tuổi dùng nhuộm răng đen. Đến nay, trong bản không còn cây khết nào nhưng hình ảnh cây khết vẫn sống mãi trong tên bản: Pá Khết nghĩa là rừng khết, như nhắc nhở bà con dân bản về tập tục nhuộm vải, nhuộm răng đen của dân tộc Thái. Các bản như bản Cang Nà, bản Tân, bản Ten lại mang ý nghĩa về nơi ở và canh tác lúa nước: Cang Nà nghĩa là ở giữa cánh đồng, Tân đọc chệch của Tênh (Tênh là trên cao), Ten là chỗ trũng. Mỗi cái tên bản đều mang trong mình một ý nghĩa nào đó về tâm linh, về địa lý, hay phong tục tập quán sinh hoạt, lao động, sản xuất của người Thái nơi này, trở thành một phần trong đời sống văn hoá của bản làng. Gìn giữ tên bản nghĩa là giữ cho một phần bản sắc văn hoá bản làng Thái nơi này không phai lạt.
Những hệ lụy không mong muốn

Bản trong phố là một phần làm   nên bản sắc của một thị xã miền núi như Nghĩa Lộ. (Trong ảnh: Một góc bản Noỏng trước đây - tổ 15 phường Pú Trạng bây giờ).
 Ngoài chuyện bản sắc văn hoá thì việc bản lên phố cũng đã ảnh hưởng đến một số vấn đề xã hội. Hiện nay, các tổ dân phố mà trước đây là các thôn, bản thuộc phường và các bản thuộc xã của thị xã Nghĩa Lộ thực sự không khác nhau là mấy về điều kiện kinh tế, xã hội, song khi chuyển lên thành tổ dân phố thì người dân nơi này đã bị thiệt thòi hơn trong một số chương trình chính sách xã hội. Rõ nhất là việc bình xét hộ nghèo.
Ở tổ dân phố, tiêu chí hộ nghèo là bình quân thu nhập dưới 260.000đ/người/tháng; còn ở thôn, bản là dưới 200.000đ/người/tháng. Vì thế, dù chỉ cách nhau một con mương nhưng hộ ông Lò Văn Tích ở tổ dân phố 14, phường Cầu Thia (vốn là bản Chao Thượng trước đây) chỉ được vay chương trình tạo việc làm cho hộ nghèo tối đa là 15 triệu đồng.
Trong khi cũng hộ nghèo ở bản Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi thì được vay tối đa là 30 triệu đồng. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nhà văn hoá, đối với thôn, bản mức hỗ trợ của nhà nước là 80%, còn lại là đóng góp của nhân dân; còn đối với tổ dân phố, mức hỗ trợ của Nhà nước là 50%, trong khi khả năng đóng góp của người dân ở đây chẳng khá hơn gì những thôn, bản ở các xã....
Nhận thấy sự không phù hợp khi chuyển thôn, bản thành tổ dân phố, chính quyền phường Trung Tâm đã chủ động đổi lại các tên này theo kiểu vẫn gọi là tổ nhưng gắn với tên thôn, bản trước đây như: tổ 20 gọi là tổ Cang Nà, tổ 1, 2 gọi là tổ Bản Lè 1, tổ Bản Lè 2... Tuy nhiên, cách gọi quả thực vẫn có sự khập khiễng, đã là tổ thì phải có số, đã là tổ thì không thể đi kèm với bản.
Theo Quyết định số 13-202 QĐ-BNV ngày 6/12/2002 của Bộ Nội vụ về việc ban hành qui chế tổ chức và hoạt động của thôn bản và tổ dân phố thì không nhất thiết đơn vị hành chính dưới phường cứ phải là tổ. Và rằng, hiện nay thị xã Nghĩa Lộ đang trong quá trình xây dựng thị xã văn hoá, có lẽ chính bản trong phố mới là một phần làm nên bản sắc của một thị xã miền núi như Nghĩa Lộ. 
Thu Hạnh - Thu Hằng


0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM