TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

6/2/14

Người giữ những báu vật của Mường Lò

Người giữ những báu vật của Mường Lò

Ký sự của THÁI SINH

Nhiều người ví ông là báu vật của Mường Lò, điều đó không ngoa. Nhưng đối với tôi ông là pho sách cổ, một trí thức bản địa lớn nhất của người Thái đen khu vực miền núi Tây Bắc mà tôi từng gặp. Ông đang gìn giữ những báu vật thiêng liêng của người Thái đen, mảnh đất mà họ coi là “đin pẩu pú” (đất tổ của người Thái đen), tên ông là Lò Văn Biến...
Tôi nghe danh ông đã ngót chục năm, người đã dành nhiều thời gian để sưu tầm những pho sách cổ viết bằng chữ Thái trên những tờ giấy dó, hay những cuốn sách màu thời gian đã nhuộm đen trên những trang giấy đã  rách nát không còn nhìn rõ chữ, hoặc ông đi lang thang khắp các thôn bản sưu tầm những câu dân ca, điệu múa, những bài cúng bản, cúng ma... rồi ghi chép dịch ra thành sách. Ông quá kinh ngạc với những gì mà người xưa đã ghi lại trong những trang sách cổ mô tả cuộc thiên di của dân tộc Thái đen từ Xíp Xoong Ba Na (Vân Nam-Trung Quốc) theo sông Hồng xuống miền núi phía Bắc Việt Nam rồi ngược suối Thia vào Mường Lò (Yên Bái) định cư trước khi toả đi khắp nơi. Bởi thế, người Thái đen coi Mường Lò là đất tổ của mình (Đin pẩu pú, hoặc Bản pẩu mương pú). Lo ngại sự mai một về chữ viết của người Thái đã được sáng tạo từ ngàn năm trước do cha ông để lại ông đã bỏ thời gian, công sức và tiền bạc mở lớp dạy chữ Thái ngay tại ngôi nhà của mình cho con cháu và những ai yêu mến chữ Thái. Điều kỳ lạ, không chỉ người Thái nhiều dân tộc khác sinh sống trên cánh đồng Mường Lò đã xin được làm học trò của ông. Đặc biệt hơn, trong số gần hai trăm học sinh của ông có hai sinh viên người Nhật, một người Pháp và một người Thái Lan, họ muốn tìm hiểu và khám phá chữ Thái cổ nên đã lặn lội hàng trăm cây số đến nhà ông để ông dạy cho cách đọc và viết chữ Thái.

Mặc dù đã từng đọc một số bài viết về ông trên một số báo, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là mái tóc dài chấm vai cùng bộ râu bạc trắng như cước trên gương mặt khá đẹp lão mà thời trai trẻ chắc đã làm xiêu lòng biết bao cô gái? Ông sống trong ngôi nhà sàn bình dị như bao ngôi nhà sàn của người Thái trên cánh đồng Mường Lò. Nhà ông ở cuối bản Cang Nà, thuộc phường Trung Tâm thị xã Nghĩa Lộ, dù đã được báo trước, nhưng khi tôi đến ông vẫn vận quần cộc đang băm rau cho lũ ngan vịt đói kêu quàng quoạc dưới gầm sàn. Ông bảo tôi: Bà nhà tôi đi thăm các cháu, giờ chỉ có mình tôi ở nhà, phải tranh thủ băm rau cho lũ ngan vịt lát nữa còn giúp mấy bà đun rượu chưa biết khi nào mới về, say rượu có khi ngủ luôn ở đó... Ông cười khà khà, tôi biết ông chỉ đùa tếu cho vui, năm nay đã 81 tuổi có bà nào hưng phấn đến độ mời ông lão ngoài tám mươi về nấu rượu, dù đó là rượu... tình?
Ông Lò Văn Biến kể lại chuyện cuộc đời của mình rằng: Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Mường Lò, thời Pháp học hết tiểu học, sau khi Nghĩa Lộ được giải phóng tháng 10/1952, tôi tham gia dạy bình dân học vụ từ năm 1953 đến 1954. Tháng 2/1955 trên cử tôi đi học sơ cấp Sư phạm đặt tại Khu Tự trị Thái Mèo, năm 1956 thì ra trường, tổ chức điều tôi về Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu) dạy học. Khi đó cả Than Uyên chỉ có ba thầy giáo, tôi dạy ở xã Mường Than. Hồi ấy dạy song ngữ, chữ Thái và chữ quốc ngữ. Đến năm 1963 thì tạm dừng dạy chữ Thái, tôi được điều về Mường Lò dạy học, dạy được mấy năm do phải dạy xa nhà, gia đình gặp rất nhiều khó khăn nên tôi bỏ dạy về làm ruộng... Ông Biến im lặng nhìn đăm đắm ra cánh đồng trước nhà: Mấy chục năm rồi chữ Thái không được giảng dạy đang dần bị mai một. Những người biết chữ Thái đều đã cao niên, lớp trẻ thì không được dạy, mai ngày chúng tôi mất đi đem theo gia sản của cha ông xuống mồ, nghĩ thế mà xót xa. Năm 2002 tôi quyết định mở lớp dạy chữ Thái cho các cháu trong thôn bản, mới đầu chỉ 3- 4 người học, sau lên 10 người... số người đến đăng ký học ngày một đông, năm 2006 tôi soạn thành giáo trình 100 tiết dạy cho những ai yêu quý chữ Thái.
Khi nghe tin ông Lò Văn Biến dạy chữ Thái cổ hai sinh viên người Nhật tên là Ha ki ga Na ma sao và Ô ka đa Ma sa si từ Hà Nội lên tận Mường Lò để học chữ Thái, rồi Du Tỷ, người Thái Lan và tiến sĩ người Pháp tên là Răc đơ mon cũng xin được làm học trò của ông. Từ đó đến nay ông đã mở được 7 lớp, với 177 học viên, trong số đó có nhiều người là cán bộ lãnh đạo của thị xã. Nghĩa Lộ. Giáo trình dạy chữ Thái cổ của ông Biến đã được ngành chức năng thẩm định, học viên sau khi học xong được Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp. Hiện có 7 tỉnh dạy chữ Thái theo giáo trình do ông soạn.
Tháng7/2006 Trung tâm Vì sự Phát triển Bền vững Miền núi - CSDM tổ chức hội nghị tại Mai Châu (Hoà Bình) bàn việc bảo tồn và phát triển chữ Thái đã mời các trí thức bản địa tham gia hội thảo. Một câu hỏi đặt ra: Chữ Thái du nhập vào Việt Nam từ khi nào? Có nhà nghiên cứu cho rằng chữ Thái có từ thế kỷ XI, ông Biến phản bác lại rằng chữ Thái có trước thế kỷ thứ IX, với hai lý do: Lý do thứ nhất: Thế kỷ XI người Thái từ Vân Nam sang Việt Nam đã có chữ rồi. Lý do thứ hai: Thế kỷ thứ IX ông Khun Bó Rôm là người đầu tiên dẫn dắt một bộ tộc người Thái sang Điện Biên sinh sống. Như vậy, chữ Thái phải có trước khi người Thái du nhập vào Việt Nam. ý kiến của ông được các nhà nghiên cứu công nhận trong hội nghị tổ chức tại Hà Đông năm 2008.
Ông Biến kể lại rằng: Năm 2008 hay 2009 gì đó ông Đào Văn Xuyền- Phó chủ tịch Hội người cao tuổi tỉnh Phú Thọ (điều này ông Biến nhớ mang máng như vậy) dẫn ông lên thăm bãi đá cổ Sa Pa, tại đây có một phiến đá khắc 19 chữ cổ, ông đã đọc được 16 chữ còn 3 chữ ông không đọc được, có thể người xưa viết quá ngoáy. Như vậy, chủ nhân của những hình khắc trên bãi đá cổ Sa Pa phải chăng là người Thái? Nếu đúng như vậy, thì con cháu của những cư dân Thái đó bây giờ ở đâu? Đó là những câu hỏi không dễ ràng trả lời.
Không chỉ yêu chữ Thái cổ, ông Lò Văn Biến còn là người say mê sưu tầm và dịch sách cổ viết bằng chữ Thái. Ông không nhớ hết mình đã sưu tầm và dịch bao nhiêu quyển sách, trong đó có cuốn: Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, Tìm hiểu tục cúng vía dân tộc Thái đen Mường Lò, Cúng mường, cúng bản, Lễ hội Hạn Khuống, Cúng người chết về Mường trời (Xống phi tai), Cúng vía trâu (Tam khuôn quai)... Đó là những giá trị văn hoá, báu vật thiêng liêng của dân tộc Thái đen. Thông điệp của người xưa được ghi trong sách cúng cũng như được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác: Mường Lò là đất tổ của người Thái đen ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Hàng năm, nhiều người Thái đen ở Mỹ, Thái Lan, Lào... đã tới Mường Lò thăm quê cha đất tổ (đin pẩu pú) của người Thái đen, thăm thác Nặm Tốc Tát, nơi người Thái đen khi băng hà linh hồn đều tới đó tắm rửa trước khi ngược theo dòng thác lên Mường Trời. Trong sách cúng “Xống phi tai” có câu: “Cai hẳn lẹo mưa họt Nặm Tôk Tat phi pãy/ Phi cái đay cái cãu mữa Phạ”, nghĩa là: Linh hồn người chết theo thác Nặm Tôốc Tát lên với Mường Trời (mữa Phạ).
Đêm 29/9/2013 thị xã Nghĩa Lộ đã xác lập màn đại xoè cổ lớn nhất Việt Nam, ông Lò Văn Biến là một trong hai người đứng sau màn đại xoè đó, tham gia hướng dẫn và luyện tập cả tháng trời cho các nghệ nhân và diễn viên quần chúng. Bởi từ lâu ông đã có ý thức sưu tầm những điệu xoè cổ. Ông cho biết: Người Thái đen cư trú dọc các con sông, con suối, họ không du canh du cư như nhiều dân tộc khác. Cuộc sống của họ gắn bó với ruộng đồng, sông suối... nên lời ca, điệu múa của họ đều phản ánh cuộc sống của chính mình. Múa xoè có 6 điệu múa, mỗi điệu múa đều thể hiện giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc Thái được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa xoè không quá phức tạp, khi trống chiêng nổi lên mọi người đều có thể bước vào vòng xoè múa một cách say mê không phân biệt trẻ già, trai gái. Múa xoè là sinh hoạt văn hoá cộng đồng kết nối tình anh em bằng hữu, tình đoàn kết giữa các dân tộc...
Có nhiều ý kiến về các điệu múa xoè, nhưng ông Biến khẳng định dân tộc Thái đen chỉ có 6 điệu xoè cổ mà ông đã sưu tầm và hướng dẫn cho mọi người, nhằm gìn giữ những giá trị văn hoá của cha ông. Đó là các điệu xoè: Khắm khăn mơi lẩu- Nâng khăn mời rượu, Phá xí- Anh em bốn phương trời, Nhôm khăn-Tung khăn mời gọi, Đổn hôn- Tiến lùi, Tốp mư- Vỗ tay mừng vui, Khắm khăn ỏm nọm-  Không phân biệt gái trai tay cầm tay. 
Sau khi làm xong việc trọng đại trong một năm: Thu hoạch mùa vụ xong, lên nhà mới, cúng bản cúng rừng, cưới xin, lễ tết... họ thường tổ chức uống rượu, sau đó là múa xoè. Thường dịp cuối năm khi mùa vụ đã gặt xong, mọi nhà đều rảnh rỗi người ta làm nhà, dựng cửa, lấy vợ gả chồng cho con cái... rượu uống thâu đêm, xoè cho đến sáng.
Từ trên cao nhìn xuống, Màn đại xoè trông giống như một bông hoa 5 cánh tựa bông hoa ban rực rỡ sắc màu. Đây là loài hoa biểu tượng của núi rừng Tây Bắc. Giá trị nhân văn trong những điệu xoè được thể trong Màn đại xoè cổ được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là: “Màn xoè cổ lớn nhất Việt Nam” do thị xã Nghĩa Lộ tổ chức với sự tham gia của 2.013 nghệ nhân và diễn viên quần chúng.
Ông Biến bảo: Tôi đã hơn tám mươi tuổi rồi, sống không còn được bao lâu nữa, tất cả vốn liếng tôi truyền lại cho cháu Dung, cháu sẽ thay tôi gìn giữ và phổ biến chữ Thái cũng như những giá trị văn hoá của cha ông ký gửi trong từng con chữ...


                                                                                                           TS

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM