TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

5/6/15

KHAI THÁC CHẾ BIẾN LÂM SẢN CẦN CHÚ Ý BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG- SINH THÁI


KHAI THÁC CHẾ BIẾN LÂM SẢN

CẦN CHÚ Ý BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG- SINH THÁI.

 

Huyện Quan sơn tỉnh Thanh hóa có tổng diện tích tự nhiên 93.017,03ha. Trong đó đất lâm nghiệp có rừng: 79.620.09ha chiếm 85,6%. Độ che phủ rừng năm 2014 đạt 83,6% là huyện còn giàu tài nguyên và tỷ lệ che phủ rừng cao so với cả tỉnh và cả nước. Dân số trên 37 ngàn người, mật độ dân số 39 người/km2 gồm 4 dân tộc anh em cùng chung sống là Thái, Mường, Kinh, H Mông. Trong đó dân tộc Thái chiếm 83,27%.

Thiên nhiên ưu đãi cho Quan sơn nhiều tài nguyên rừng như gỗ, nứa, vầu, bương, giang, cây dược liệu và lâm sản khác. Đây là nguồn thu nhập nuôi sống đồng bào để đồng bào gắn bó với rừng bao đời nay. Đồng thời góp phần làm cho cảnh quan môi trường-sinh thái Quan sơn trong lành, tươi đẹp.

Với diện tích và trữ lượng lâm sản phụ khá lớn: Nứa, vầu, giang, bương 40.551,46ha trữ lượng 265 triệu cây, lâm sản khác trong rừng tự nhiên 16 triệu cây, rừng trồng chủ yếu là luồng 11.931,36ha trữ lượng hàng chục triệu cây. Hàng năm đồng bào khai thác bán ra trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhưng trước đây chủ yếu là nguyên liệu thô, giá trị thấp như luồng, vầu, nứa cây, nan thanh bổ từ nứa, vầu, giang…

Những năm gần đây đồng bào đã chuyển đổi dần cơ cấu sản xuất từ bán hàng thô sang chế biến tăm mành, đũa luồng tại chỗ nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập. Đồng thời tạo nhiều việc làm mới có tay nghề cao cho lao động địa phương.

Có nhiều xã phát triển mạnh các xưởng chế biến tăm mành từ nứa, vầu, đũa từ luồng như Sơn Điện trước năm 2010 chỉ có 3 xưởng đến nay trên 20 xưởng. Riêng bản Na Lộc diện tích chỉ hơn 1km2 đã có 13 xưởng. Xã Mường Mìn trước năm 2010 có 1 xưởng nay là 8 xưởng, xã Sơn Thủy trước đây 1 xưởng nay có 5 xưởng, xã Na Mèo năm 2010 có 1 xưởng nay có 5 xưởng, xã Tam Thanh năm 2010 có 1 xưởng nay 4 xưởng, Tam Lư nay có 5 xưởng…

Hoạt động của các xưởng thay ca làm cả ngày đêm nên bụi và khói thải ra môi trường rất lớn. Có nhiều xưởng còn dùng diêm sinh(chất lưu huỳnh) độc hại hun sấy nguyên liệu và thành phẩm để chống mối mọt, ẩm mốc. Nhưng việc bảo vệ môi trường chưa được chú ý đúng mức.

Nhiều xưởng xây dựng trong khu dân cư, thậm chí là dưới gầm sàn nhà ở của gia đình. Nên bụi và tiếng ồn gây hại cho sức khỏe con người rất lớn.

Hầu hết lao động không được đào tạo cơ bản về vệ sinh, an toàn lao động, nhiều lao động không được trang bị phòng hộ lao động, không đóng BHXH, BHYT. Rác thải công nghiệp tùy tiện đổ ra môi trường, không có công trình xử lý đảm bảo kỹ thuật. Chất lưu huỳnh đốt tỏa khói ra môi trường người bị ho, bị ngạt khi hít phải khí thải; khí thải làm chết cây, rụng lá, cây ra hoa không kết trái, gà vịt chết, một số lưu huỳnh đốt không hết để vương vãi ở mặt đất khi trời mưa cuốn trôi xuống sông suối, nguồn nước sinh hoạt rất độc hại. Khai thác lâm sản quá cường độ, thuê khoán lao đông nơi khác đến khai thác rừng không đúng quy trình kỹ thuật làm cho rừng bị tàn phá nghèo kiệt…đó là những mặt trái, là yếu tố gây hại cho môi trường, cho sinh thái rừng và sức khỏe con người, vật nuôi. Để khắc phục tình trạng trên chúng tôi đề xuất một số ý kiến như sau:

-         Việc xây dựng các xưởng chế biến lâm sản phải theo quy hoạch, không làm tự phát như lâu nay. Các xưởng phải cách xa khu dân cư 100m trở lên. Chính quyền địa phương cần kiên quyết chỉ đạo di rời các xưởng ra khỏi khu dân cư để tránh ô nhiễm, tiếng ồn, khí độc,  bụi và hỏa hoạn.

-         Khi phê duyêt thiết kế xây dựng xưởng chế biến lâm sản phải yêu cầu có công trình xử lý rác thải, không hun sấy lưu huỳnh ở gần khu vực dân cư và nơi làm việc của người lao động, không để lưu huỳnh vương vãi ở mặt đất.

-         Việc khai thác nứa, vầu, luồng phải đúng quy trình kỹ thuật, không khai thác quá cường độ cho phép, không khai thác mùa sinh măng. Vệ sinh rừng sau khai thác. Không thuê khoán lao động nơi khác ồ ạt vào rừng khai thác lâm sản vì mục đích lợi nhuận gây tác hại lớn đến sinh thái rừng.

Trên đây là thực trạng và một số đề xuất giải pháp vừa phát triển sản xuất hàng hóa vừa bảo vệ môi trường-sinh thái ở huyện Quan sơn-Thanh hóa trong hiện tại và cả tương lai lâu dài. Mong rằng chính quyền các cấp, các nhà đầu tư và nhân dân quan tâm thực hiện để vừa phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập vừa bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp của Quan sơn, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu đang từng ngày tác động xấu đến cuộc sống chúng ta.

              Phạm Xuân Cừ
Hội viên Trung Tâm vì sự phát triển miền núi và bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam
Di đông: 0974.735.544

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM