TRUNG TÂM VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MIỀN NÚI CSDM - Địa chỉ: Số 9 dãy 16B1 Làng Việt Kiều Châu Âu, Phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội - Điện thoại: (84)4 3 3528 555

3/2/17

PHONG TỤC ĐÓN TẾT CỦA DÂN TỘC THÁI TƯƠNG DƯƠNG - NGHỆ AN



Tiết mục văn nghệ chào xuân 2017 của phụ nữ DTTS
Về với huyện miền núi Tương Dương  (Nghệ An) dù mới cuối đông, nhưng dường như sắc xuân đã "gõ cửa" miền đất sơn thuỷ hữu tình. Đến nơi đây, du khách không những được thỏa mình với rừng cây xăng lẻ, mà còn được đắm chìm với các phong tục của những dân tộc bản địa nơi đây. Với những nét đặc sắc trong phong tục đón Tết cổ truyền mang đậm bản sắc riêng có của người Thái.

Không giống như một số dân tộc ít người khác, một năm thường có nhiều cái Tết, người Thái trên vùng cao Tương Dương chỉ ăn tết chung với Tết Nguyên đán của cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu có không khí tết từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch cho tới hết mồng 10 tháng Giêng của năm mới.
"Độc, lạ"... cơm cúng tất niên.
Ban ngày, trời miền tay xứ Nghệ thường nắng nhẹ và se lạnh. Nhưng đêm đến, cái lạnh dường như "nặng đô" vì sương núi xuống. Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón tết xưa, nay.
Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của dân tộc Thái vẫn giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.
Thầy mo bản Vẽ. Ông Lương Tiến Phượng  kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái Tương Dương, đặc biệt là nhóm “Tay Mười” không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá moọc, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt thú rừng, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt thú rừng, thịt lợn rừng thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có t
Màn múa quạt của phụ nữ Thái Tương Dương (Nghệ An)
rong mâm cỗ cúng Tết.

"Cỗ cúng trước đây có nhiều món cầu kỳ! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá,... thì tiên tổ mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm" - ông Lương Tiến Phượng chậm rãi kể.
Theo tập tục, người Thái cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp tới hết ngày mùng 5 của năm mới. Xưa kia người Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác.
Vừa nhấp ngụm rượu cần, thầy mo Lương Tiến Phượng kể tiếp, "sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 hoặc 30 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm cây thơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.
Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, "hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (ma nhà).

Tục đón giao thừa "Pống Cháy, kháy hoọng".
Tiếp lời ông mo. Lương Tiến Phượng, bà Lương Thị Pun (vợ ông Phượng) vui vẻ kể lại, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón Tết, người Thái sẽ mổ lợn cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa "Pống Cháy, kháy hoọng". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng con cháu trong nhà đánh cồng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.
Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu". Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên.

Những chiếc guồng thân thiện với bạn sắc Thái Tương Dương (Nghệ An)
Ngoài những tập tục trong gia đình, người Thái còn tổ chức các hoạt động tập thể vui xuân tại khu vực sơn chơi của bản được diễn ra, có nhiều hoạt động văn hóa đã trở thành tập tục khá riêng biệt và độc đáo của người dân tộc Thái như đánh cồng chiêng, khắc luống rồi ném còn, nhảy sạp, suối, khắp, lăm, nhuôn và múa văn nghệ quần chúng... Hoạt động văn hóa này thường do, các bà me hoặc đoàn thanh niên, có nơi do hội phụ nữ... tổ chức.
Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục những thanh niên trai gái thường đi chơi bên bờ sông, bờ suối nơi gần guồng nước và lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn cả năm và vui mừng mang về nhà.
Bài và ảnh: Lô May Hằng
VTIK - Tương Dương, Nghệ An

1 nhận xét :

  1. Đùng là Việt Nam rất nhiều phong tục tập quán khác nhau ở mỗi vùng miền.

    Trả lờiXóa

 

Nhận tin qua Email

Liên hệ qua Email

adm@csdm.vn

Thành viên CSDM